Nỗ lực để du lịch Việt bứt phá

10/07/2023 10:13

Kinhte&Xahoi Ngành Du lịch Việt Nam đã chứng minh niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ; từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để bứt phá du lịch. (Ảnh minh họa)

“Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”

Việt Nam là quốc gia có hệ thống chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ; thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông; có một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, 3 di sản thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41 nghìn di tích, danh lam, thắng cảnh; sản vật phong phú, mặt bằng giá cả thấp hơn so với khu vực; đặc biệt có 54 dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc…

“Trên đây là những yếu tố nền tảng quan trọng để chúng ta phát triển, trong đó có phát triển du lịch”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” vừa diễn ra hồi trung tuần tháng 3.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch của Việt Nam ngày càng phát triển; hệ thống sản phẩm du lịch đã và đang được hình thành, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam ngày càng được cải thiện, xếp hạng 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2019, tăng 17 bậc so với năm 2011. Năm 2021, xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch cao nhất.

Với việc đón tiếp và phục vụ gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 495.000 tỷ đồng trong năm 2022; 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đã chứng minh niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ; từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam.

6 tháng đầu năm nay, ngành Du lịch triển khai hàng loạt sự kiện, hội nghị, hoạt động quảng bá, xúc tiến và kích cầu… Một số sự kiện nổi bật có sự góp mặt của du lịch Việt Nam phải kể đến Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 và Hội chợ TRAVEX 2023 nhằm tăng cường hợp tác du lịch giữa các nước thành viên ASEAN; Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2023 với quy mô gian hàng lớn nhất từ trước đến nay; hay Phiên họp Liên Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương và Nam Á của UNWTO lần thứ 35.

Ngành Du lịch tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023 đánh dấu cột mốc 10 năm hình thành và phát triển; các địa phương khai mạc mùa du lịch hè 2023 với chuỗi các sự kiện hè, festival văn hóa - du lịch - ẩm thực…

Đáng chú ý, ngành Du lịch còn có cơ hội quảng bá cảnh đẹp, văn hóa Việt Nam qua bộ phim “A Tourist’s Guide to Love” được khán giả đón nhận tích cực và lọt bảng xếp hạng phim thịnh hành nhất thế giới sau 10 ngày công chiếu trên Netflix.

Tiếp nối thành công của bộ phim này chính là tiếng vang của Diễn đàn “Du lịch và Điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh” và Hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 được tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa). Từ đây nhiều ý kiến, ý tưởng đã được trao đổi để hướng đến những giải pháp cho điện ảnh, du lịch phát triển gắn kết.

Một dấu mốc quan trọng khác của ngành Du lịch chính là sự kiện ra mắt cẩm nang ẩm thực Michelin Guide đầu tiên tại Việt Nam vào đầu tháng 6. Việt Nam lần đầu tiên có các nhà hàng gắn sao Michelin danh giá, ghi danh lên bản đồ ẩm thực thế giới.

Tính 6 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 69% kế hoạch năm. Tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 343 nghìn tỉ đồng, cao hơn 29,4% so với cùng kì năm ngoái. Việc Quốc hội kéo dài thời gian visa đã tạo cơ hội cho ngành Du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn hoàn thành vượt mức mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023, thu về khoảng 650.000 tỉ đồng.

Tập trung triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ

Theo báo cáo quý II/2023 của Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ, du lịch của Việt Nam đạt tăng trưởng 6,33%, cao hơn gần gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP nền kinh tế (3,72%). Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ, du lịch tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có nhiều đột phá; sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự đặc trưng, đặc sắc, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có.

Du lịch chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ...; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp đối với yêu cầu phát triển của ngành; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Ngày 5/7/3023, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ cùng Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2023).

Hội nghị nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Du lịch, cùng với kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tại Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 04/7/2023 hướng tới mục tiêu để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đặt mục tiêu khai thác nhanh và hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế.

Theo Kế hoạch này, nội dung rất quan trọng là tái cấu trúc, đổi mới mô hình kinh doanh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các hội viên cấu trúc lại bộ máy điều hành gắn liền với chuyển đổi số, cơ cấu lại hệ thống nhân lực theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Cùng với đó là đổi mới mô hình kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái du lịch nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm gắn với thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, trong xu thế toàn cầu hiện nay, du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh các loại hình như: du lịch hội nghị, du lịch thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp; du lịch mua sắm; du lịch ẩm thực; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch nông nghiệp và nông thôn; du lịch mạo hiểm, du lịch thông minh…

Hiệp hội du lịch các địa phương cũng thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra cho ngành là “phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”; kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, làm đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong xu hướng hiện nay còn cần đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế... Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP, nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%”.

 Thùy Dương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê bị xử phạt hành chính

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê vì đã công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật và công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.

Công ty cổ phần Dược phẩm Khánh Hoà bị xử phạt

Công ty cổ phần Dược phẩm Khánh Hoà đã có hành vi vi phạm: Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/no-luc-de-du-lich-viet-but-pha-d196006.html