Sao người dân dễ bị lừa đảo đến thế?

23/09/2019 16:26

Kinhte&Xahoi Vụ án tại Công ty địa ốc Alibaba dù đang trong giai đoạn điều tra, tuy nhiên về mặt nào đó cũng gây “rúng động” dư luận xã hội. Qua tài liệu, chứng cứ thu thập được đến nay đã đủ cơ sở xác định 2 anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh có dấu hiệu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tính đến ngày 30/6, Công ty Alibaba và các công ty con đã ký kết hợp đồng mua bán đất với 6.700 khách hàng với tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng.

Không phải chỉ một, chỉ mười, chỉ trăm khách hàng?

Vụ Alibaba cho thấy rằng, nhu cầu về “đất cát” để làm nhà là có thật. Nhu cầu “đầu cơ” đất đai là có thật. Và nữa, thông tin, nhận thức về luật pháp đất đai của nhân dân còn rất nhiều hạn chế. Trong trường hợp này ai bảo vệ dân khỏi mắc bẫy bọn “đại bịp”? Ở đây ngoài câu chuyện dân phải biết “tự bảo vệ mình” theo câu nói đã thành quen “đừng chết vì thiếu hiểu biết” mà còn phải trông cậy vào chính quyền.

Người quan tâm đến vụ việc không thể không đặt câu hỏi: Chính quyền nơi có các dự án của Alibaba ở đâu?

Nếu như các dự án của Alibaba là dự án không có thật, chưa được cơ quan nhà nước phê duyệt và cấp phép là chủ đầu tư mà Công ty này vẫn thu tiền bán đất của khách hàng thì đây là hành vi gian dối, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.

Nhưng nếu Alibaba đã tổ chức san lấp đất và tổ chức bán đất rầm rộ... mà các địa phương không có biện pháp thông tin và ngăn chặn kịp thời thì Chủ tịch UBND cấp xã, phường và Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã rõ ràng đã thiếu trách nhiệm trong công việc của mình, buông lỏng quản lý đất đai. Rõ ràng là “gián tiếp”, tạo điều kiện cho Alibaba có cơ hội lừa đảo khách hàng.
 
Đối với chính quyền địa phương nơi có dự án thì sao? Việc quản lý hành chính về mặt đất đai, nếu như có dấu hiệu thông đồng hoặc có dấu hiệu bao che thì tùy theo mức độ, hậu quả xảy ra sẽ xem xét xử phạt về hành chính hay là xử lý về hình sự. 

Làm “tận gốc” như thế mới thỏa đáng. Bởi không có gì là chính quyền không biết. Ở đâu, thời điểm nào, dù là hoạt động của một cá nhân chở vật liệu xây dựng sửa hoặc làm nhà thanh tra các loại về xây dựng, đô thị đều biết, tại sao rầm rộ và kéo dài như Alibaba chính quyền không hay?

Rõ ràng, người dân vì nhu cầu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất (và người hám lợi đầu cơ đất) đã trở thành nạn nhân bị lừa đảo một cách quá dễ dàng. Chuyện này không chỉ xảy ra lần đầu và không chỉ có Alibaba.

Hoạt động mua bán nhà đất trên cả nước đang diễn ra hàng ngày với giá trị mỗi hợp đồng mua bán nhà đất lên tới hàng tỷ đồng. Cập nhật cho mình kiến thức mới nhất để không bị lợi dụng và rơi vào tình huống bị lừa đảo mua bán nhà đất là chuyện của người có nhu cầu. Tuy nhiên, để bảo vệ được người dân, không thể không cần đến chính quyền. 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quy định mới về ghi hạn sử dụng trên hàng hóa

Tại Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nêu rõ quy định về vị trí ghi nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.

Nguồn: Pháp luật Plus