Sau những con số tăng trưởng vốn FDI

04/10/2018 09:24

Kinhte&Xahoi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố dữ liệu về hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Nhìn trên số liệu, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đằng sau đó là nhiều chuyển dịch đáng chú ý.

Vốn FDI “biến dòng”

Trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng cao do tác động từ thế giới, con số giải ngân vốn FDI tăng khá là một điểm sáng. Trong 7 tháng của năm 2018, giá trị vốn FDI giải ngân đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017, theo Cục Đầu tư nước ngoài.

Kết quả trên chắc chắn đã góp phần để Ngân hàng Nhà nước mua thêm 11 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, nâng dự trữ ngoại hối lên mức khoảng 64 tỷ USD. Thông tin từ Chính phủ cũng cho biết, chỉ trong vòng hai năm rưỡi vừa qua, quỹ dự trữ ngoại hối đã tăng hơn hai lần, từ mức 28 tỷ USD trước đó.

Ảnh minh họa

Nguồn ngoại hối mạnh cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước vừa qua có thể can thiệp tỷ giá, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Cùng với giải ngân vốn FDI, các chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài khác cũng cho thấy nhà đầu tư quốc tế vẫn đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, trong dữ liệu chung đó, duy nhất có số dự án tăng vốn và vốn đăng ký tăng thêm là giảm. Ngược lại, số lượng vốn và dự án góp vốn, mua cổ phần tăng đột biến. Cụ thể, 7 tháng đầu năm nay đã có 3.311 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần, tăng 12,4% so với cùng kỳ; với trên 4,79 tỷ USD vốn, tăng tới 53,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, trong khi việc tăng vốn của các dự án đã đầu tư từ trước đây lại giảm, cho thấy sự chuyển dòng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Một mặt, vốn ngoại tham gia nhiều hơn vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mặt khác thúc đẩy thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tăng trưởng mạnh mẽ. Thông tin từ họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A 2018 diễn ra mới đây cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, bằng 139% cùng kỳ năm 2017.

Một điểm đáng chú ý khác là kim ngạch xuất nhập khẩu của khối ngoại đang tăng thấp hơn mức tăng chung của cả nền kinh tế: với xuất khẩu là khoảng 15% so với 16%; với nhập khẩu là khoảng 8,5% so với trên 10%.

Nhìn vào cơ cấu vốn đầu tư đăng ký cũng có thể thấy lĩnh vực chế biến chế tạo, mặc dù vẫn thu hút được lượng vốn FDI lớn, nhưng tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư đăng ký đang sụt giảm.

Vào năm ngoái, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng trên 44,2%, nay chỉ còn gần 42%. Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa từ 23,3% nay chỉ còn trên 5%. Ngược lại, lĩnh vực bất động sản từ khoảng 8,5% nay lên tới 24,4%...

Thời của dự án tỷ đô

Những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ mới, nhất là từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, sẽ khiến dòng vốn ngoại đảo chiều khỏi Việt Nam, đến thời điểm này có lẽ không còn bằng chứng nào để bấu víu. Không những các chỉ tiêu thu hút đầu tư FDI đều cải thiện, như nêu trên, mà thời gian gần đây xuất hiện thêm nhiều dự án tỷ USD.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, có rất nhiều dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý trong số đó là dự án “Thành phố thông minh” tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư.

Một dự án lớn khác là Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD, do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án khác là Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 7/3/2007, do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên - Huế, đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018.

Những dự án hàng trăm triệu USD cũng khá nhiều, trong đó có thể kể đến là dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nội; dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD…

Những dự án cả cấp mới và tăng vốn đó cho thấy cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy sức hút lớn của thị trường Việt Nam, cũng cho thấy triển vọng thu hút đầu tư thời gian tới chắc chắn tiếp tục khởi sắc, khi các vệ tinh từ nước ngoài của các công ty đa quốc gia tiếp tục theo chân họ vào Việt Nam.

Tuy nhiên, giải ngân hết vốn cam kết, đầu tư nhanh và hoàn thành dự án cũng là một vấn đề cần chú ý, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới đầy bất ổn hiện nay, các vấn đề địa chính trị phức tạp đang tồn tại, và cạnh tranh thu hút đầu tư của các nước trong khu vực ngày càng tăng.

Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào dự án tỷ đô. Cũng như nhìn vào chuyển dịch trong dòng vốn đầu tư FDI có thể đặt hoài nghi rằng khối ngoại đang chuyển dần từ ngành sản xuất sang đầu tư địa ốc. Nhưng, với nỗ lực cải cách trong nước và tiềm năng phát triển vẫn còn đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, quan điểm hợp tác luôn luôn rộng mở của Việt Nam, thì vẫn có thể tự hào về thành tích thu hút đầu tư hiện nay và đặt nhiều hy vọng vào tương lai sắp tới.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM