Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng. Ảnh T.Vương
Sáng 10.7, Văn phòng Chủ tịch Nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9, khóa 14.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Đầu tư ra đời nằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, đảm báo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong luật cũ để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan đến đất đai, thuế...
Liên quan đến ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, theo ông Thắng, Luật lần này đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, khoáng vật độc hại và động, thực vật hoang dã cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời tiếp tục cắt giảm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt về quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, luật đã quy định rõ việc xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Cùng với đó, luật cũng bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để tính thuế, hạn chế chuyển giá, trốn thuế; bổ sung quy định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn, nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, núp bóng.
Liên quan tới nội dung này, PV Báo Lao Động đặt câu hỏi tại họp báo: Luật lần này đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, vậy số phận của những doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ này sẽ như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết: Đối với các doanh nghiệp đang được cấp phép dịch vụ kinh doanh đòi nợ sẽ được tiếp tục hoạt động từ nay tới ngày 1.1.2021.
“Từ 1.1.2021 doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Đối với các doanh nghiệp có nhiều ngành nghề, dịch vụ kinh doanh thì chấm dứt hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê, các lĩnh vực khác vẫn hoạt động theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ kinh doanh đòi nợ từ nay tới 1.1.2021 có trách nhiệm thanh, quyết toán liên quan tới dịch vụ này” - Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.
Vương Trần - Theo Báo Lao động