Tập đoàn điện gió hàng đầu thế giới “tiến vào” Việt Nam

09/03/2024 11:02

Kinhte&Xahoi Corio Generation là công ty con thuộc Tập đoàn Macquarie hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi.

Chiều 8/3, tại Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Yi-Hua Lu, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Corio thuộc tập đoàn Macquarie.

Corio Generation - Công ty hàng đầu về điện gió

 Được biết, Macquarie (thành lập năm 1969) là tập đoàn tài chính đa ngành, đa quốc gia có trụ sở và được niêm yết tại Australia, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Macquarie có hơn 21.000 nhân viên hoạt động tại 34 quốc gia, với tổng tài sản quản lý hơn 573,5 tỷ USD. Năm 2023, lợi nhuận ròng của tập đoàn đạt 3,4 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Yi-Hua Lu, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Corio thuộc tập đoàn Macquarie - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong khi đó, Corio Generation (thành lập năm 2012) là công ty con thuộc Tập đoàn Macquarie hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện nay, Corio đang quản lý một trong những danh mục điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với hơn 30 GW đã đi vào vận hành tại một số quốc gia như Anh, Na Uy, Thụy Điển…

Công ty Corio đã tham gia nghiên cứu phát triển một số dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2019, đồng thời với vai trò là thành viên Liên minh Tài chính Glasgow vì Mục tiêu Phát thải ròng bằng "0" (GFANZ), Corio hiện đang phối hợp với một số đối tác huy động nguồn lực cho các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ - Tạp chí Công thương.

Ngày 5/3, tại Australia, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam–Australia, Corio đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với Tổng công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tại cuộc gặp Thủ tướng, lãnh đạo Công ty Corio trình bày kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam; quan tâm nghiên cứu để đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác trong tương lai; nêu một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án; đề xuất cho phép triển khai dự án thí điểm điện gió ngoài khơi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả của Macquarie nói chung và Công ty Corio Generation nói riêng trong thời gian qua.

Thủ tướng đề nghị Corio xây dựng đề án thí điểm gửi ngay các cơ quan, giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

 Quy hoạch Phát triển Điện VIII cũng đặt ra mục tiêu đưa công suất điện gió ngoài khơi (ở Việt Nam) đạt 6GW vào năm 2030 và đến năm 2050, con số này sẽ lên đến 70-91,5 GW.

Thủ tướng đề nghị tập đoàn phối hợp với các bộ, ngành, đối tác liên quan phía Việt Nam nghiên cứu triển khai khẩn trương các dự án cụ thể trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, trong đó điều quan trọng là giá thành điện gió phải phù hợp, các bên cùng có lợi.

Thủ tướng cũng mong muốn Corio đa dạng hóa đối tác tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng là doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió. Đồng thời, Thủ tướng cho biết Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp điện gió, do đó đề nghị tập đoàn chú trọng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ chứ không chỉ đầu tư.

Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để các nhà đầu tư hoạt động, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, các bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Việt Nam - Thị trường sôi động về phát triển điện gió, điện mặt trời

Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này.

Nhờ những chính sách và hành động mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%.

Một trong nhiều công trình điện gió tại Việt Nam.

Tại Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh đến việc phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước (chuỗi khí - điện Lô B, Cá Voi Xanh), thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính.

Quy hoạch Phát triển Điện VIII cũng đặt ra mục tiêu đưa công suất điện gió ngoài khơi (ở Việt Nam) đạt 6GW vào năm 2030 và đến năm 2050, con số này sẽ lên đến 70-91,5 GW. Dự kiến đến năm 2035, sẽ có khoảng 450 tuabin gió ngoài khơi cỡ lớn vận hành tại Việt Nam, được lắp đặt trong khoảng 10 trang trại gió ngoài khơi móng cố định và một hoặc hai trang trại gió móng nổi.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó. Một dự án điện gió ngoài khơi cần 6 - 7 năm (từ khi khảo sát đến lúc xây dựng xong). Dự án cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để phục vụ cho việc khảo sát, xây dựng lưới truyền tải và vận hành, bảo dưỡng. Mặc dù các thiết bị chính phải nhập khẩu nhưng thiết bị phụ trợ Việt Nam có thể sản xuất được. Do đó, Việt Nam cần sẵn sàng tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng cho điện gió đầy tiềm năng.

Theo Báo cáo Lộ trình điện gió ngoài khơi tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam có tiềm năng đạt được công suất gió ngoài khơi từ 11GW đến 25GW cho đến năm 2035, có thể tạo ra tới 700.000 việc làm mỗi năm và giảm thiểu được 217 triệu tấn khí thải CO2.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức kép cho khu vực, đó là vừa cần nguồn nhân lực có tay nghề cao, vừa cần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng.

Nhã Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sản xuất - thương mại hồi phục

Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực tăng ở mức 2 con số, nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị sản xuất gia tăng mạnh mẽ. Những tín hiệu cho thấy sản xuất - thương mại đã bắt đầu vào đà phục hồi.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/tap-doan-dien-gio-hang-dau-the-gioi-tien-vao-viet-nam-196777.html