"Thâm nhập" cơ sở sản xuất vắc xin Covid-19 "made in Vietnam"

08/12/2020 17:59

Kinhte&Xahoi Những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên đã "ra lò" sẽ chính thức thử nghiệm trên người vào ngày 10/12. Cơ sở sản xuất đang khẩn trương hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đi vào sản xuất hàng loạt.

Những hình ảnh đầu tiên về sản phẩm vắc xin Covid-19 vừa được Công ty Nanogen cung cấp. Trợ lý tổng giám đốc của công ty, ông Trần Thế Vinh cho biết, dự án vắc xin bắt đầu từ tháng 3, đến tháng 6 Bộ Khoa học Công nghệ có công văn chỉ định, đặt hàng công ty thực hiện dự án nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19.

 
Dự án nghiên cứu vắc xin Covid-19 được khởi động từ tháng 3/2020

Phía công ty đang tiến hành phát triển 2 loại vắc xin được kỳ vọng sẽ trở thành ứng cử viên của Việt Nam trong danh sách vắc xin Covid-19 toàn cầu. Loại vắc xin thứ nhất là Subunit dựa trên S-protein và virus like particles sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp. Qua quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật gồm chuột, khỉ và các thử nghiệm lâm sàng gây đáp ứng miễn dịch tốt, cho hiệu quả khả quan. Kết quả những nghiên cứu trên động vật bước đầu đã khẳng định tính an toàn của vắc xin, tuy nhiên để khẳng định tính an toàn cần chờ thử nghiệm lâm sàng trên người.

Những nghiên cứu đã liên tiếp được thực hiện để chạy đua với thời gian tìm giải pháp giúp cộng đồng vượt qua đại dịch

Hiện Vắc xin Subunit đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Sản phẩm được sử dụng để phòng bệnh do SARS-CoV-2 gây ra. Nanocovax gồm 2 liều lượng khác nhau có sử dụng tá dược nhôm dạng lọ hoặc bơm tiêm đóng sẵn thuốc. Các sản phẩm có sự điều chỉnh protein tái tổ hợp để phù hợp với những biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Ngày 9/12, dự án sẽ được trình Hội đồng đạo đức Bộ Y tế trước khi tiến hành thử nghiệm trên người.

 
Sau khi thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật đạt kết quả khả quan, vắc xin Nanocovax sẽ được thử nghiệm trên người

Theo kế hoạch, quá trình thử nghiệm vắc xin Nanocovac trên người giai đoạn 1 bắt đầu ngày 10/12 trên 60 người (nhóm tuổi từ 18 đến 50 tuổi) có sức khỏe tốt, không mắc bất cứ bệnh nền nào. Hiện việc tuyển chọn các tình nguyện viên tại Học viện Quân y cho giai đoạn thử nghiệm này đã hoàn tất. Sau khi tiêm khoảng 2 đến 4 tuần, những người đã chích vắc xin sẽ được kiểm tra kết quả đáp ứng kháng thể và tiếp tục chuyển sang tiêm thử nghiệm giai đoạn 2.

 
Mọi khâu nghiên cứu, sản xuất tuân thủ chặt chẽ quy trình, tránh mọi rủi ro có thể xảy ra

Dự kiến giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào tháng 1/2021 với số lượng tiêm khoảng 400 người (từ 18 đến 60 tuổi), sau đó lấy kết quả đáp ứng kháng thể rồi chuyển sang tiêm thử nghiệm giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3, sẽ được thực hiện trên nhóm trẻ từ 12 tuổi trở lên đến người 70 tuổi với trên 3.000 người. Dự kiến giai đoạn này sẽ bắt đầu từ tháng 3/2021.

Quá trình nghiên cứu đã đối mặt với rất nhiều thách thức vì sử dụng protein tái tổ hợp nên cần quy trình dài hơn, thiết kế gen, chọn dòng tế vào và các điều kiện tối ưu… Trên cơ sở tham khảo các tài liệu đã được quốc tế công bố, nhóm nghiên cứu đã thiết kế ra đoạn gen phù hợp và thực hiện độc lập trong sản xuất vắc xin mang thương hiệu Việt Nam không lệ thuộc vào kỹ thuật, công nghệ của nước ngoài.

 
Việc sản xuất vắc xin Covid-19 kỳ vọng mang lại nhiều thay đổi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. 

Dòng vắc xin sau khi được sản xuất không cần bảo quản ở nhiệt độ âm sâu như các vắc xin khác mà chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường từ 2 đến 8 độ C. Vắc xin trước mắt sẽ được triển khai ở nhóm tuổi những người trưởng thành với 2 liều tiêm sau đó mỗi năm chích nhắc một lần. Với nhóm trẻ dưới 12 tuổi, các nhà nghiên cứu sẽ sản xuất những sản phẩm không tiêm bắp mà sử dụng bình xịt và nhỏ mắt thông thường để bảo vệ niêm mạc vùng mũi miệng, tránh tác nhân gây bệnh của SARS-CoV-2 đồng thời gây bất hoạt virus, tạo kháng thể. 

 
Vắc xin Covid-19 "made in Vietnam" sẽ chính thức được thử nghiệm trên người vào ngày 10/12

Dự án đã được Nhà nước tạo điều kiện tối ưu để Công ty nhập những sản phẩm tạo môi trường nuôi cấy tế bào để phục vụ sản xuất, các viện trường trực thuộc Bộ Y tế đã hỗ trợ trong quá trình kiểm nghiệm, thúc đẩy quá trình nghiên cứu diễn ra nhanh chóng. Đây là vắc xin phục vụ cho hoạt động phòng chống dịch của quốc gia vì thế sau quá trình thử nghiệm lâm sàng khi sản phẩm được chính thức cấp phép đưa vào sử dụng, giá thành của sản phẩm sẽ được các bộ ngành liên quan định giá.

Tuy nhiên, phía công ty sản xuất kỳ vọng chính sách y tế sẽ mở cửa, đưa vắc xin phòng Covid-19 vào danh mục bảo hiểm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận với chi phí thấp nhất.

Vân Sơn - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngành mía đường “tổn thương” thế nào?

Gần hết 1 năm mở cửa thị trường đường theo lộ trình thực hiện Atiga (Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN), mía đường Việt Nam đã phải chịu trận “tổn thương” kép vừa ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa nhìn đường Thái Lan “tung hoành” ở thị trường nội địa.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/tham-nhap-co-so-san-xuat-vac-xin-covid-19-made-in-vietnam-20201208153455638.htm#dt_source=Home&dt_campaign=Cover&dt_medium=1