Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Nhiều kỳ vọng khởi sắc

27/01/2024 10:21

Kinhte&Xahoi Năm 2023, với nhiều giải pháp tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần ổn định trở lại, tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng cho sản xuất, kinh doanh.

Bước sang năm 2024, chuyên gia cho rằng, thị trường có thể phục hồi tích cực, song khó khăn sẽ còn tiếp diễn.

Năm 2023, ngân hàng là nhóm ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Vượt qua giai đoạn khó khăn

Nhìn lại diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 có thể thấy sự chuyển biến lớn tích cực. Sau khi một số chủ doanh nghiệp vi phạm về phát hành trái phiếu bị truy tố trong năm 2022, thị trường gần như đóng băng và chỉ bắt đầu sôi động trở lại từ tháng 6-2023.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày công bố thông tin 19-1-2024, năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 296.917 tỷ đồng, tăng so với mức 248.046 tỷ đồng năm 2022 (được đưa ra ngày 19-1-2023).

Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất, tiếp đến là nhóm bất động sản. Kết quả phát hành trên cho thấy tín hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn của năm vừa qua. Cùng với đó, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong năm 2023 đạt 248.880 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên thực tế, có sự thay đổi lớn trong tiếp cận của thị trường, kể cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư khi nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường sơ cấp mua trái phiếu năm 2023 chiếm đến 92,4%, nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 7,6%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 phục hồi, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất là kết quả từ sự cộng hưởng các chính sách chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường. Cùng với đó là hàng loạt giải pháp của cơ quan quản lý được triển khai nhằm tháo gỡ các nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có nhiều khởi sắc về cả chất và lượng.

Điển hình là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ với các quy định về đàm phán thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản và đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 2 năm đối với các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn trước, là chính sách tốt và hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư, cơ cấu lại các khoản nợ để có thời gian điều chỉnh, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là việc đưa vào vận hành hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung đã góp phần tăng tính minh bạch, tăng thanh khoản cho thị trường…

Thị trường tiếp tục phục hồi?

Bước sang năm 2024, cũng tính đến thời điểm công bố thông tin ngày 19-1, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận. Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, năm 2024, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn. Doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, có người môi giới, có người bảo lãnh, chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Dù doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu có thể gặp khó khăn nhưng về lâu dài sẽ giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Một số chuyên gia cho rằng, năm 2024 sẽ có 3 điểm dẫn dắt thị trường. Đầu tiên là tỷ lệ trái phiếu chậm trả phát sinh mới giảm dần khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 4 lần lãi suất trong năm 2023 và giúp cho doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn. Tiếp đến, các chính sách hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ và kích cầu kinh tế sẽ phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, năm 2024, việc thực thi các quy định chặt chẽ hơn sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng tính kỷ luật hơn. Nhà phát hành sẽ phải công bố thông tin minh bạch hơn.

Tiến sĩ Ngô Trí Trung (Trường Đại học CMC) dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ dần thay đổi theo hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc, dù khó khăn còn tiếp diễn. Để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ và người có liên quan tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan; khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024; đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu…

Tại buổi họp báo chính thường kỳ diễn ra đầu tháng 1 vừa qua, về những kỳ vọng cho năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, trong bối cảnh niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở lại thì với sự hồi phục trở lại của nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững và thực chất. Chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước cả đối với các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ.

Ngô Hương - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công nghiệp Hà Nội: Kỳ vọng sớm phục hồi

Năm 2023 là năm đầy khó khăn của ngành Công nghiệp Hà Nội khi hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn giảm sút, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-nam-2024-nhieu-ky-vong-khoi-sac-656974.html