Thực hư tin đồn học phí lái xe ô tô tăng lên hàng chục triệu đồng

26/02/2020 10:08

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, thông tin về việc tăng học phí lái xe ô tô được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người hoài nghi.

Ngày 8/10/2019, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT "Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ".

Theo đó, sau khi Thông tư 38 được ban hành, các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin như việc học và thi sát hạch lái ô tô sẽ khó hơn rất nhiều, học phí sẽ tăng gấp 2-3 lần. Vậy thực hư chuyện này như thế nào?

Không có chuyện học phí đào tạo lái xe ô tô tăng lên hàng chục triệu đồng (ảnh minh họa).

Thông tin cụ thể về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) trả lời về việc một số trang mạng xã hội đưa tin năm 2020 sẽ tăng học phí đào tạo lái xe lên 30 triệu đồng.

Những ngày qua, một số trang mạng đưa tin mức học phí đào tạo lái xe sẽ tăng gấp đôi từ 15 triệu đồng lên 30 triệu đồng do bổ sung thêm 100 giờ bao gồm các chương trình học mới về đạo đức lái xe và học sửa chữa xe cơ bản...

Thông tin cụ thể về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) khẳng định, không có chuyện giá đào tạo lái ô tô tăng lên mức vài chục triệu đồng.

"Hiện nay mức học phí của mỗi người học lấy bằng lái B2 chỉ 7-8 triệu đồng và hoàn toàn không có chuyện học phí tăng lên 30 triệu. Việc có thông tin tăng mức học phí chỉ là chiêu trò đồn thổi để dụ dỗ người học trước khi thông tư 38/2019 có hiệu lực", ông Thống nói.

Thông tư 38/2019 quy định từ ngày 1/5, các trung tâm phải lắp thiết bị giám sát môn học lý thuyết, điểm chỉ bằng vân tay... Tuy nhiên, việc các trung tâm trang bị thêm thiết bị giá thành tương đối rẻ nên không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đào tạo.

Vụ trưởng nói rõ, cơ quan quản lý không chi phối mức học phí của các trung tâm đào tạo lái xe. Theo thông tư liên tịch 72 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính, giao cho cơ sở đào tạo tự xây dựng mức phí trên cơ sở nội dung, chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, chi phí đào tạo... để xây dựng mức học phí.

Cơ sở đào tạo phải công khai mức học phí và trình cơ quan quản lý nhà nước địa phương theo dõi giám sát. “Tuy giao cho trung tâm tự định mức giá nhưng theo cơ chế thị trường, trung tâm nào tăng cao quá sẽ bị người học tẩy chay. Hơn nữa cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào mức tính toán của trung tâm để có mức giá phù hợp, khi trung tâm tăng học phí mà không báo cáo sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Thống nói.
 
Ông Lương Duyên Thống cũng cho hay Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ có nhiều điểm mới. Theo thông tư này, từ ngày 1/5/2020, cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị theo dõi và giám sát thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1).

Trong năm 2021, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên trên xe tập lái, đồng thời, bổ sung nội dung học trên cabin tập lái xe từ năm 2021 để học viên học kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, đường đèo núi, đường trơn trượt...

“Về sát hạch, ngoài bài sát hạch lý thuyết, sát hạch trong sa hình, trên đường trường sẽ bổ sung nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông từ 1/5/2021…” - ông Thống cho hay.

Ngoài ra, Thông tư 38/2019 đưa ra lộ trình từ ngày 1-6-2020 bổ sung mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý GPLX. Việc này sẽ giúp phát hiện nhanh bằng lái xe giả.

Liên quan đến bộ đề 600 câu hỏi lý thuyết, ông Thống cho biết theo Thông tư 38/2019, Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ ban hành bộ câu hỏi và phần mềm dùng cho sát hạch lý thuyết để cấp bằng lái.

“Hiện nay chúng tôi đã ban hành bộ câu hỏi và đang tiếp tục xây dựng phần mềm, tập huấn cho nhân viên tại các đơn vị để chuyển giao thực hiện. Dự kiến các trung tâm đào tạo sẽ áp dụng bộ câu hỏi này bắt đầu từ ngày 1/6…” - ông Thống thông tin.

Bên cạnh đó, ông Thống cũng cho rằng đến thời điểm hiện tại, những quy định mới đã được các đơn vị triển khai đúng kế hoạch. “Hiện chúng tôi chưa gặp khó khăn gì trong việc áp dụng nội dung đào tạo, sát hạch mới. Đồng thời, đến nay Tổng cục Đường bộ chưa nhận được phản ánh của các sở GTVT, trung tâm đào tạo về khó khăn trong việc triển khai Thông tư 38/2019” - ông Thống nhấn mạnh.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Rủi ro rình rập trong các cụm công nghiệp

Nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho các DN công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thời gian qua Hà Nội đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều cụm công nghiệp (CCN).

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/thuc-hu-tin-don-hoc-phi-lai-xe-o-to-tang-len-hang-chuc-trieu-dong-d118144.html