Tôn vinh hay chỉ là “thương vụ”?

16/07/2019 11:54

Kinhte&Xahoi Cuối chiều ngày 13/7 tức là chỉ trước lúc chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” diễn ra vài giờ, lãnh đạo Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô đã chính thức ra văn bản hủy chương trình này với lý do phía Cung đã nhiều lần yêu cầu đơn vị tổ chức cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của việc tổ chức chương trình, tuy nhiên cho đến 15h30 ngày 13/7, đơn vị này vẫn không cung cấp được.

Chương trình Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 bị hủy trước giờ G

Trước đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản khẳng định không cấp phép cho chương trình tôn vinh “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam năm 2019” cho đơn vị tổ chức.

Đây là sự việc thu hút nhiều sự chú ý của dư luận xã hội nhất vào dịp cuối tuần qua. Cũng phải thôi vì trước đó, nhiều người đã choáng với một loạt danh xưng có liên quan đến sự việc này như: Á hoàng doanh nhân, Nữ hoàng thương hiệu, Nữ hoàng văn hóa tâm linh, Nữ hoàng thực phẩm, Nữ hoàng thép… đến mức phải chép miệng đặt câu hỏi: Phải chăng giờ đây cứ ra ngõ là gặp… nữ hoàng? 

Người trong cuộc thì giải thích rằng họ không hề mắc chứng ngộ danh hiệu mà người có danh hiệu là người phải có sức mạnh quảng bá cho ngành nghề đó, đến người tiêu dùng ở trong nước và cả quốc tế nhanh nhất. Nói tóm lại, theo nhà tổ chức thì đây không phải là cuộc thi mà chỉ là việc tôn vinh danh hiệu của một ngành nghề nào đó thôi và đã là phụ nữ, vừa cống hiến cho gia đình vừa tạo ra giá trị cho cộng đồng thì thực sự đáng tôn vinh.

Ý định tốt như thế thì tại sao lại bị dư luận “ném đá”? Thực ra với vai trò là doanh nhân, là những người tạo ra công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, họ đã xứng đáng trở thành “nữ hoàng” mà không cần tổ chức nào tôn vinh bởi những con số, những câu chuyện làm nên từ họ đã đủ nói lên tầm vóc của họ.
 
Nhưng cũng cần phải công tâm nhìn nhận, mong muốn danh hiệu là nhu cầu có thật của các doanh nhân. Bởi với đặc thù công việc, hình ảnh của họ luôn là sự tất tả, lao tâm khổ tứ giải quyết hàng núi công việc mỗi ngày.

Vì thế, những giây phút tôn vinh, danh hiệu được trao tặng là khoảnh khắc huy hoàng ý nghĩa để họ được “khoe” với ngành, với người. Và đó cũng là cách để thương hiệu và nhân hiệu của họ được quảng bá một cách nhanh nhất, tốt nhất. Không loại trừ, có danh hiệu còn là cú hích, là động lực để họ tiếp tục cố gắng, cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng.

Vấn đề là các chương trình, cuộc thi đã làm đúng tiêu chí và mục đích đề ra hay chưa, hay chỉ đơn thuần coi đó là một “thương vụ” trên mong muốn chính đáng của các doanh nhân?

Câu trả lời là cần phải xem lại quy chế pháp luật hiện hành về các cuộc thi, tôn vinh sắc đẹp, tài năng hiện nay. Nếu không vi phạm đã chẳng có chuyện lãnh đạo Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô phải ra văn bản hủy chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” sát giờ vì đợi mãi mà đơn vị tổ chức cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của việc tổ chức chương trình. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thấy gì từ việc người trẻ làm giàu bằng homestay giá rẻ?

Thời gian qua, không ít người trẻ bỏ những nghề nghiệp văn phòng để bước chân vào mô hình kinh doanh homestay (du lịch lưu trú tại nhà dân bản địa) giá rẻ vì cho rằng mức đầu tư thấp và tiềm năng lợi nhuận cao. Liệu homestay có phải một hướng khởi nghiệp dễ dàng cho họ?

Đặt tên cho “đứa con tinh thần”- dễ mà không dễ

Với người kinh doanh thì sản phẩm và công ty kinh doanh thực sự là đứa con tinh thần của họ. Mà đã là “con” thì cũng cần phải nghĩ ra cái tên không chỉ thật đúng, đủ mà còn phải đẹp, phải kêu, để khai sinh, để tồn tại với đời và làm rạng mặt “cha mẹ”. Và từ đó là những chuyện bi hài xảy ra…

Nguồn: Pháp luật Plus