TP Hồ Chí Minh: Đưa bác sĩ trẻ về cơ sở để giảm tải tuyến đầu

24/02/2022 10:49

Kinhte&Xahoi Trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn về việc củng cố, phục hồi hệ thống y tế cơ sở sau một thời gian dài ứng phó đại dịch COVID-19, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai hoạt động đầu tiên trong đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đó là đưa bác sĩ trẻ về tăng cường cho trạm y tế phường, xã, thị trấn…

Quận 12 (TP Hồ Chí Minh) đón bác sĩ trẻ về tăng cường y tế cơ sở năm 2022

Mới đây, gần 300 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp đã tình nguyện xuống các cơ sở y tế ở các quận, huyện để rèn luyện và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Có mặt trong buổi lễ đón bác sĩ về cơ sở tại Quận 12, bác sĩ trẻ Hà Duy Việt chia sẻ, khi tìm hiểu về chương trình thí điểm thực hành dành cho bác sĩ mới ra trường của Sở Y tế thành phố, anh đã quyết định tham gia ngay. Dù đây là chương trình thí điểm đầu tiên nhưng bác sĩ Hà Duy Việt cảm thấy hào hứng hơn là lo lắng: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hành tại cơ sở, nhưng đây là khoảng thời gian bổ ích để chúng tôi học tập cũng như được gần người dân hơn”.

Để triển khai hoạt động này, ngành Y tế thành phố đã tổ chức các buổi gặp và tiếp xúc với các bác sĩ mới tốt nghiệp tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để giới thiệu chương trình “Thí điểm thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa”. Theo đó, bác sĩ mới tốt nghiệp sẽ được thực hành 12 tháng tại trạm y tế dưới sự hướng dẫn chuyên môn và hướng dẫn thực hành tại các bệnh viện đa khoa hạng I tuyến thành phố. Sau đó, họ về thực hành tại các bệnh viện trong 6 tháng.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là một chương trình hoàn toàn mới, Sở Y tế sẽ chủ động kết nối, lắng nghe những ý kiến, đề xuất của bác sĩ trẻ trong thời gian thực hành tại trạm y tế. Sau đó, Sở sẽ có đánh giá định kỳ, sơ kết rút kinh nghiệm để đạt kết quả cao nhất có thể và làm tiền đề duy trì hoạt động này tại trạm y tế phường, xã, thị trấn. Sở Y tế thành phố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí thực hành và chi phí sinh hoạt (dự kiến là 60 triệu đồng cho 12 tháng, sẽ được HĐND thành phố xem xét trong kỳ họp sắp tới).

“Bác sĩ sau khi hoàn thành chương trình thực hành này sẽ được nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, năng lực phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe liên tục và toàn diện, năng lực hoạt động xã hội..., góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở của thành phố”, PGS.TS Tăng Chí Thượng thông tin thêm.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Nhân dân Gia Định, năm nay, với sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế, chương trình đào tạo bác sĩ trẻ có nhiều điểm mới. Nếu như với chương trình đào tạo trước đây, học viên tham gia toàn thời gian 18 tháng tại bệnh viện thì chương trình năm nay bổ sung thời gian học tập tại các trạm y tế phường, xã, tạo cơ hội để các bác sĩ trẻ tiếp cận người bệnh ở giai đoạn rất sớm, nhận diện các dấu hiệu bệnh tật và điều trị người bệnh mau chóng hồi phục hơn.

Là một trong số 297 bác sĩ trẻ được tăng cường xuống cơ sở, bác sĩ trẻ Phạm Vĩnh Anh (tốt nghiệp khóa 2015 - 2021, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) từng tình nguyện tham gia tổ y tế từ xa theo dõi F0 khi dịch bệnh bùng phát tại TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ Phạm Vĩnh Anh hiểu rõ áp lực nặng nề mà các nhân viên ở trạm y tế trải qua trong suốt mùa dịch. Việc người bệnh ở các phường, xã, thị trấn thiếu sự theo dõi, chăm sóc của bác sĩ tuyến cơ sở ở các bệnh lý khác cũng là điều khiến chị trăn trở: “Chương trình thực hành này là lựa chọn tốt để bác sĩ có cơ hội ôn lại và hiểu rõ hơn về các chuyên khoa, là cơ hội trải nghiệm tốt để hiểu nhu cầu của người bệnh ở tuyến cơ sở”.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá đây là một sáng kiến quan trọng, mang tính bước ngoặt của ngành Y tế thành phố và đề nghị Sở Y tế tiếp tục chủ trì, phối hợp các trường đại học, bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế sớm ban hành quy chế, quy định về vai trò, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng để các bác sĩ trẻ làm đúng nhiệm vụ được giao. Sở Y tế thành phố cũng sớm tham mưu ban hành chính sách đãi ngộ lương, phụ cấp để bác sĩ trẻ yên tâm cống hiến, học tập phát triển nghề nghiệp trước mắt và lâu dài, không bị thiệt thòi.

"Các bác sĩ trẻ hãy xem đây là một trong những môn học chính, môn học thực tiễn có ích đối với nghề nghiệp, là nghĩa vụ thiêng liêng của người bác sĩ. Đây còn là cơ hội thử thách, rèn luyện bản thân, đồng thời tận dụng tốt thời gian quý báu này để giúp ích cho đời", đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

 Nguyễn Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bốn lời giải cho “bài toán khó” bán lẻ thời hậu COVID

Theo báo cáo xu hướng mua sắm của người Việt trong trạng thái bình thường mới của Deloitte Đông Nam Á, ngành bán lẻ đang trải qua những bước chuyển dịch quan trọng khi các yếu tố về đối tượng khách hàng, công nghệ và lối sống thay đổi mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19. Thích ứng với những thay đổi này sẽ là con đường duy nhất để tồn tại và phát triển của các nhà bán lẻ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dua-bac-si-tre-ve-co-so-de-giam-tai-tuyen-dau-190509.html