Vận hành Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh, Nghệ An: Công ty INFRAVI có 'lạm quyền'?

03/06/2019 14:30

Kinhte&Xahoi Mặc dù chỉ là một bên trong liên danh nhưng Cty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh (Cty INFRAVI) đã tự ý “tước” quyền cùng vận hành Nhà máy xử lý nước thải của thành viên trong liên danh là Cty CP Đầu tư Phát triển môi trường SFC Việt Nam (Cty SFC).

Nhà máy xử lý nước thải TP. Vinh được vận hành bởi liên danh hai Cty nhưng Cty INFRAVI lại tự ý không cho đơn vị liên danh cùng vận hành

“Đánh úp” liên danh 

Chiều 31/5, nhân viên của Cty SFC ngỡ ngàng khi bị lãnh đạo và nhân viên Cty INFRAVI tước quyền vận hành Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) TP. Vinh, Nghệ An (đóng tại xã Hưng Hòa, TP Vinh). Đáng nói, Cty INFRAVI chỉ là một bên liên danh với Cty SFC để cùng vận hành Nhà máy XLNT theo hợp đồng với  chủ đầu tư là UBND TP Vinh.

Ông Nguyễn Phương Thắng - Cán bộ quản lý vận hành Nhà máy XLNT. TP Vinh của Cty SFC Việt Nam cho biết, đầu giờ chiều 31/5, khi nhà máy đang vận hành bình thường thì ông Hoàng Hồng Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty INFRAVI dẫn theo nhiều người đến phòng vận hành yêu cầu nhân viên Cty SFC ra khỏi phòng với lý do: mượn phòng thực hiện nghiệm thu hệ thống quan trắc tự động. Nhưng khi nghiệm thu quan trắc xong thì họ khóa cửa, không cho nhân viên SFC vào, đồng thời chuyển tủ tài liệu, thiết bị của Cty SFC xuống tầng 1. 

“Khi chúng tôi thắc mắc việc không cho nhân viên SFC vận hành thì Cty INFRAVI đưa cho một thông báo chấm dứt hợp đồng đối với Cty SFC. Việc này có chuẩn bị từ trước nên lúc đó có sự xuất hiện của cả Công an xã”- ông Thắng cho hay. 

Có mặt tại cổng nhà máy, phóng viên Báo PLVN đề nghị được vào Nhà máy để tìm hiểu thông tin nhưng nhân viên Cty INFRAVI không đồng ý và cho biết “lãnh đạo đang bận”. Liên hệ qua điện thoại, ông Hoàng Hồng Khanh – Chủ tịch HĐQT Cty INFRAVI cho biết, Cty SFC hết hợp đồng nhưng không gia hạn thì INFRAVI phải chấm dứt liên danh. Khi phóng viên đề cập tới việc hợp đồng ký kết giữa TP Vinh và hai đơn vị liên danh, nếu chấm dứt hợp đồng thì phải do chủ đầu tư là UBND thành phố Vinh hoặc UBND tỉnh Nghệ An quyết định, ông Khanh đã không nói gì. 

Cty INFRAVI có lạm quyền?

Được biết, Nhà máy XLNT TP Vinh có tổng kinh phí xây dựng gần 400 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ. Dự án được khởi công vào tháng 2/2009, với nhiều hạng mục như: Hệ thống mương và giếng tách, hệ thống truyền tải, các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 25.000 m3/ngày đêm. Ngày 29/12/2012, Nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Phương Quý, Tổng Giám đốc Cty SFC cho biết,  “do Cty INFRAVI không tiếp nhận vận hành nên UBND TP. Vinh giao Cty SFC quản lý vận hành đến ngày 18/6/2015 (thời điểm giao cho Liên danh SFC – INFRAVI). Toàn bộ chi phí vận hành trong thời gian khoảng 30 tháng này, Cty  SFC vẫn chưa được thanh toán. Dù vậy, với tinh thần trách nhiệm của mình, SFC vẫn đảm bảo Nhà máy vận hành liên tục và ổn định, đáp ứng các yêu cầu của Nhà tài trợ dự án ODA”.

Liên danh SFC - INFRAVI được thành lập để tiếp nhận công tác quản lý vận hành Nhà máy XLNT theo đề xuất của UBND TP Vinh tại Văn bản số 1088/UBND-TCKH ngày 10/3/2015 và được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận tại Văn bản số 2594/UBND – ĐTXD ngày 27/4/2015; Theo đó UBND TP Vinh ký hợp đồng với liên danh và liên danh chính thức vận hành từ ngày 18/6/2015.

Tuy nhiên, lấy lý do thời hạn hợp đồng đã hết nên ngày 29/5/2019, Cty INFRAVI ra Thông báo chấm dứt liên danh với Cty SFC. Cùng ngày 29/5/2019, Cty INFRAVI phát hành giấy mời gửi Cty SFC nêu: Để thuận lợi trong công tác thanh lý hợp đồng với UBND TP Vinh, Cty INFRAVI tổ chức buổi làm việc. Thời gian bắt đầu từ 16h ngày 31/5/2019.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Phương Quý cho biết “chiều 31/5, Cty SFC đã có Công văn 35 gửi Cty INFRAVI nêu: Việc lập Liên danh Cty SFC và Cty INFRAVI để quản lý, vận hành Nhà máy XLNT được UBND TP Vinh đề xuất và UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận. Do đó, các quyết định liên quan đến liên danh vận hành Nhà máy XLNT thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Nghệ An. Hơn nữa, thời gian Cty INFRAVI mời dự họp quá ngắn (kể từ khi chúng tôi nhận được giấy mời đến thời điểm họp chỉ cách 7 giờ đồng hồ), trong khi Cty INFRAVI không thống nhất trước với SFC  về nội dung, địa điểm và thời gian làm việc. Do đó, SFC không tham gia được buổi họp với thời gian như đề nghị của INFRAVI; Tính chất của Nhà máy XLNT là phải vận hành liên tục và ổn định. Do đó, trong thời gian chờ giải quyết các đề nghị của Cty INFRAVI, Cty SFC đề nghị Cty INFRAVI vẫn hợp tác để đảm bảo nhà máy vận hành liên tục, ổn định cho đến khi cấp có thẩm quyền chấp thuận. Chúng tôi cho rằng việc làm của Cty INFRAVI là quá lộng quyền vì họ cũng chỉ là đơn vị liên danh trong quản lý, vận hành nhà máy cho chủ đầu tư như chúng tôi nên không có quyền cầu người của Cty SFC ra khỏi phòng điều hành. Họ muốn đưa thành sự việc đã rồi khi mời chúng tôi họp với thời gian quá gấp. Ngay cả thời gian Cty INFRAVI  mời họp là 16h nhưng 14h họ đã xuống tước quyền vận hành nhà máy từ nhân viên Cty SFC”.

Thiết nghĩ, trong vụ việc này, UBND tỉnh Nghệ An cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết sự việc, mà việc trước mắt cần yêu cầu Cty INFRAVI tiếp tục phối hợp với Cty SFC nhằm vận hành ổn định, có hiệu quả Nhà máy XLNT. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. 

Khoản 3, Điều 19, Nghị định 80/2014 NĐ-CP về Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước có nêu: Thời hạn hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước: Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước có thời hạn ngắn nhất là 05 năm và dài nhất là 10 năm. Trường hợp muốn tiếp tục kéo dài hợp đồng trước khi kết thúc thời hạn hợp đồng ít nhất là 01 năm thì các bên tham gia hợp đồng phải tiến hành thương thảo việc kéo dài hợp đồng quản lý, vận hành và đi đến ký kết. 


Theo Pháp luật Plus


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

"Sự cố Huawei" ảnh hưởng thế nào đến các nhà bán lẻ điện thoại di động Việt?

Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây có đưa ra báo cáo việc Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen thương mại, tác động đến thị trường điện thoại di động Việt Nam, trong đó có đưa ra kịch bản "kém tích cực" nếu lệnh cấm kéo dài, các sản phẩm Huawei không tiêu thụ được và Huawei không đưa ra chính sách hỗ trợ nào cho các đối tác.