VP Prudential Nghệ An: Cần xem lại quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng

30/08/2018 09:19

Kinhte&Xahoi Từng là nhân viên bán bảo hiểm cho Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam và là khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có tên gọi “Phú Toàn Gia Hưng Thịnh” cho mình, nhưng khi bị đột tử, ông Nguyễn Quang Oánh lại bị chính công ty này từ chối bồi thường. Vì sao?

Khi đang còn là cán bộ phụ trách chính sách của xã Khánh Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), ông Nguyễn Quang Oánh (sinh năm 1957) được mời tham gia bán bảo hiểm nhân thọ cho Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam. Với uy tín của một cán bộ xã lâu năm, ông Oánh đã ký được khá nhiều hợp đồng và được Văn phòng Prudentiai Nghệ An mời đi học lớp đào tạo kỹ năng được mở tại huyện Diễn Châu. Sau khoá học, để tạo niềm tin cho khách hàng đối với nhà bảo hiểm “Luôn luôn luôn nghe, luôn luôn thấu hiểu” này, ngày 26/2/2016, ông Oánh đứng tên ký hợp đồng mua bảo hiểm “Phú Toàn Gia Hưng Thịnh” cho mình với mức phí nộp mỗi năm là 15,5138 triệu đồng.

Bà Phan Thị Vinh, vợ ông Nguyễn Quang Oánh thất vọng trước hàng loạt thư trả lời có cùng nội dung của Prudential

“Theo” Prudential bán bảo hiểm đươc hơn 3 năm, ông Oánh có hiện tượng nhức mỏi, đau lưng, ngày 02/01/2017, ông Oánh đến Trung tâm Y tá xã Khánh Thành khám, châm cứu như các bệnh nhân bình thường. Tại Trạm y tế xã Khánh Thành, ông Oánh được xác định là do “đau thần kinh toạ”. Châm cứu 3 ngày thì ông Oánh đỡ đau. Ông Oánh tiếp tục đi bán bảo hiểm với những kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo.

Một thời gian sau, ông Oánh lại cảm thấy đau lưng, đau vai gáy, nên đã đi khám ở một số bệnh viện cấp tỉnh (như: Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Chợ Rẫy) nhưng kết quả không đáng lo ngại. Thời gian này, ông Oanh lo chăm sóc sức khoẻ nên việc bán bảo hiểm nhân thọ cho Prudentil cũng bị sao nhãng. Ông cũng có ý định đơn phương huỷ hợp đồng bảo hiểm “Phú Toàn Gia Hưng Thịnh” đã ký và chấp nhận mất số phí hơn 15 triệu đã nộp. Tuy nhiên, sau khi khám và uống thuốc theo đơn của bác sỹ của các bệnh viện nêu trên, bệnh đau lưng của ông Oánh đã giảm nhiều. Ông Oánh tiếp tục được “tuyến trên” vận động đi bán bảo hiểm nhân thọ Prudentiai. Ông Oánh nộp tiếp 15,5138 triệu đồng phí bảo hiểm của hợp đồng “Phú Toàn Gia Hưng Thịnh” của năm 2017 và được Prudential chấp nhận bằng thư phúc đáp đề ngày 03/5/2017.

Bà Phan Thị Vinh, vợ ông Oánh cho biết: “Trong suốt hơn 15 năm làm cán bộ xã và cả thời kỳ tham gia bán bảo hiểm nhân thọ Prudential, ông Oanh nhà tôi khoẻ mạnh, không mắc các bệnh hiểm nghèo. Còn các bệnh như đau vai gáy, đau lưng, đau thần kinh toạ thì ở tuổi già nông thôn ai mà thoát khỏi được. Trước khi ký hợp đồng bảo hiểm với chồng tôi, có ai hỏi về bệnh đau vai gáy, thần kinh toạ đâu. Chồng tôi phát bệnh khi hợp đồng đang có hiệu lực chứ không phải trước khi ký hợp đồng”.

Thư trả lời của Prudential đối với quyền lợi bảo hiểm của ông Nguyễn Quang Oánh.

Ông Dương Ngọc Tương, người “tuyến trên” mời ông Oánh tham gia bán bảo hiểm nhân thọ Prudential và cũng là người tư vấn cho ông Oánh ký hợp đồng bảo hiểm “Phú Toàn Gia Hưng Thịnh” nói: “Trước khi nghỉ hưu, ông Oánh đã tham gia bán bảo hiểm với tôi. Sức khoẻ ông Oanh lúc đó bình thường. Khi tham gia khoá học về kỹ năng, ông Oanh được đánh giá là học viên thông minh, tiếp thu nhanh”.

Đang tham gia bán bảo hiểm với ông Tương tại địa bàn huyện Yên Thành thì ngày 07/12/2017 ông Oánh đột ngột qua đời. Nguyên nhân về cái chết của ông Oánh đến nay vẫn chưa được xác định là do “đau vai gáy”, đau “thần kinh toạ”, hay “đột quỵ” vì tai biến mạch máu não…

Nhận được đơn yêu cầu giải quyết quyền lợi tử vong của vợ ông Oánh, ngày 16/01/2018 Văn phòng Prudential đã cử 1 cán bộ về thăm gia đình. Mục đích của việc thăm viếng ông Oánh và gia đình của vị cán bộ này chủ yếu là hỏi về nguyên nhân cái chết của khách hàng. Lần theo lời trình bày của vợ ông Oánh, vị cán bộ này tìm đến Trung tâm y tế xã Khánh Thành để hỏi thông tin về ông Oánh chấm cứu tại đây. Tuy nhiên, việc hỏi về quá trình khám, châm cứu, điều trị bệnh của ông Oánh mà vị cán bội nói trên của Prudential thực hiện, không làm thành biên bản mà chỉ ghi chép vào sổ tay. Cán bộ Trạm Y tế xã Khánh Thành không hề biết người hỏi thông tin về ông Oánh nhằm mục đích gì? Họ là ai? Do cơ quan nào cử đến? Có giấy giới thiệu hay không? Nội dung ghi chép có trung thực như trình bày của người được hỏi?

Đơn của bà Phan Thị Vinh gửi Prudential và các Cơ quan Báo chí.

Ngày 26/4/2018, đại diện cho Prudential là ông Vũ Hùng- Trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng thuộc Chi nhánh Prudential Hà Nội đã ký thư phúc đáp. Nội dung thư, đại diện Prudential đã thẳng thừng từ chối quyền lợi bảo hiểm đối với ông Oánh với lý do: “những thông tin quan trọng trên (về việc khám, chữa bệnh-PV) của người được bảo hiểm Nguyễn Quang Oánh đã không được bên mua bảo hiểm kê khai đầy đủ cho Prudential trong phiếu yêu cầu khôi phục hợp đồng ngày 29/4/2017”. Từ khi ông Oánh chết đến nay, ngoài lần “điều tra, xác minh” nêu trên, Prudential cũng không còn cử cán bộ về thăm viếng gia đình nhân viên bán hàng xấu số này nữa.

Bà Vinh thắc mắc: “Khi chồng tôi bị đau vai gáy, phải đi khám, châm cứu, một số cán bộ Prudential bán bảo hiểm cùng với chồng tôi, trong đó có ông Tương, không ai nói cho ông ấy kê khai mà chỉ khuyên là nên tiếp tục thực hiện hợp đồng. Chồng tôi là người được Prudential đào tạo để đi bán bảo hiểm, tin tưởng vào lời hứa “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” của Prudential nên gia đình tôi mới đồng ý cho ông Oánh mua bảo hiểm. Nếu biết Prudential trả lời thế này thì gia đình tôi đã ngăn cản ông ấy ngay từ đầu rồi…”

Tại buổi làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp- Phụ trách văn phòng Prudential Nghệ An trả lời phóng viên về lý do từ chối bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp của ông Oánh y hệt như nội dung các thư của Prudential đã trả lời cho gia đình khách hàng này trước đó. Bà Diệp từ chối cung cấp cho phóng viên các biên bản làm việc với gia đình, với Trung tâm Y tế xã Khánh Thành và trích sao bệnh án ông Oánh khám, điều trị ở các cơ sở y tế nêu trên với lý do: “bí mật của khách hàng”. Bản thân gia đình ông Oánh đến nay cũng chưa được cung cấp các “biên bản” này.

Theo bà Diệp, tại địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 10 công ty bảo hiểm nhân thọ đặt văn phòng đại diện để khai thác thị trường khu vực này. Riêng Prudential đã “phủ sóng” đến các huyện miền núi với số lượng khách hàng lên tới hơn 70 ngàn hợp đồng. Với trình độ dân trí ở nông thôn và môi trường sống hiện nay, ai dám chắc trước khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chưa một lần phải đi khám, điều trị ở các bệnh viện? 

Trong vai một người muốn mua bảo hiểm, phóng viên được nhân viên của một số công ty bảo hiểm nhân thọ đưa ra toàn là những điều kỳ diệu mà chỉ có khi bị tai nạn cụt chân, cụt tay hoặc sau khi bị… đột tử, mới cảm nhận hết được.

Theo hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM