Công an huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai kiểm tra số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ người dân giao nộp.
Giữa tháng 8-2023, Công an tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch 2278/KH-CAT-PC06, triển khai thực hiện và tổ chức vận động nhân dân giao nộp và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo…
Lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động.
Lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 851 buổi tuyên truyền, gần 1.200 lượt với trên 52.300 người tham gia; tổ chức cho hơn 122.000 người dân, sinh viên, học sinh, hộ kinh doanh... ký cam kết không chế tạo, mua bán, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; niêm yết, phát gần 11.900 panô, áp phích, tờ rơi tuyên truyền vận động…
Lực lượng Công an đã tiếp nhận trên 2.500 vũ khí thô sơ; hơn 160 súng tự chế, 11 súng hơi, 3 súng quân dụng; 98 súng công cụ hỗ trợ; 177 công cụ hỗ trợ các loại, hơn 2,1 ngàn viên đạn quân dụng; 15 quả bom, mìn, lựu đạn, trái đạn; gần 8kg pháo…
Cùng với đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 11 vụ, 18 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Công an tỉnh đã khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 3 vụ, 7 đối tượng với số tiền 26,5 triệu đồng...
Ông Trần Tấn Hùng đi xe máy chở các con dao nhặt được đến Công an phường giao nộp.
Ông Trần Tấn Hùng, Phường Xuân Trung, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết, được tuyên truyền, vận động thường xuyên của lực lượng Công an cùng với sự ý thức của bản thân, nên ông Hùng đã mang 3 con dao nhặt được từ một vụ đánh nhau của nhóm thanh niên lạ mặt đến giao nộp cho lực lượng chức năng.
Hay như ông K’Kiếu, người dân tộc Châu Mạ, làng Bon Gõ, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú cho biết, do tập quán làm rẫy nên ông cũng như nhiều gia đình nơi đây đều có công cụ tự chế. Tuy nhiên, sau khi nghe tuyên truyền của chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an xã, ông K’Kiếu đã đem giao nộp.
“Nhiều người Châu Mạ chưa hiểu hết hiểm họa của việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nên tôi sẽ về làng mình giải thích thêm cho mọi người hiểu”, ông K’Kiếu nói.
Ông K’Kiếu mang dao tự chế đến giao nộp cho lực lượng chức năng.
Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, những tháng cuối năm, Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng, qua đó góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thanh Tàu - Hà Nội mới