Dự báo kinh tế châu Âu năm 2024: Thách thức vẫn bủa vây
Kinhte&Xahoi
Sắc màu ảm đạm của bức tranh kinh tế châu Âu trong năm 2023 được dự báo khó có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực cho tới cuối năm 2024. Sự kết hợp “độc hại” giữa lạm phát, lãi suất tăng cao, nguy cơ suy thoái cùng bất ổn chính trị tại nhiều khu vực trên toàn cầu đang trở thành những thách thức bủa vây lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Cựu lục địa trong năm tới.
Theo các dữ liệu thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã trì trệ từ quý IV-2022 cho tới quý III-2023, với mức tăng trưởng bằng 0. Tiêu dùng cá nhân và đầu tư đã giảm sút bởi quy mô tăng lãi suất chưa từng có của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) suốt từ tháng 7-2022 đến tháng 9-2023. Điều này khiến nhu cầu vay vốn của các công ty và hộ gia đình giảm sút và các điều kiện cho vay của ngân hàng bị thắt chặt.
Dù chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã dừng lại từ cuối tháng 10 vừa qua, song tác động của chính sách này có độ trễ nên hiệu ứng gây ra bởi lãi suất cao được dự báo vẫn sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế khu vực trong một hoặc hai quý đầu năm 2024.
Báo cáo của ECB cho biết, lạm phát cao, khả năng suy thoái gia tăng và chi phí đi vay vẫn chưa giảm đã đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp và những chính phủ đang phải gánh nhiều nợ. Ông Fabrizio Campelli, thành viên hội đồng quản trị Deutsche Bank có trụ sở tại Đức đánh giá, năm 2023 là một trong những năm có giao dịch tài chính doanh nghiệp thấp nhất trong lịch sử hiện đại. Tính đến đầu tháng 12-2023, giá trị giao dịch toàn cầu đạt 2.669 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2005; trong khi tổng giá trị giao dịch tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi chỉ đạt 616 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2004. Giới quản lý tài chính, tư vấn và nhân sự dự báo các nhân viên ngân hàng ở châu Âu sẽ chứng kiến giao dịch giảm, mức thưởng khiêm tốn và việc làm bị cắt giảm mạnh trong năm 2024. Điều này có thể dẫn đến nhiều vụ phá sản và biến động mạnh trên thị trường tài chính.
Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm từ 2,9% năm nay xuống 2,7% vào năm 2024 trước khi tăng 3% vào năm 2025. Để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, nhiều ngân hàng đang chuyển sang chiến lược cắt giảm chi phí hoạt động. Tại Anh, Ngân hàng Barclays cân nhắc sa thải tới 2.000 nhân viên hành chính, Ngân hàng Lloyds khả năng cũng giảm 2.500 việc làm. Tương tự, các ngân hàng lớn khác như UBS, Citi cũng dự kiến cắt giảm nhân sự ồ ạt...
Việc các ngân hàng cắt giảm nhân lực khiến tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng vào năm tới. Đây cũng là yếu tố tác động làm chỉ số tiêu dùng đi xuống. Tiếp đó, chính sách tài khóa của các quốc gia châu Âu được dự báo sẽ thắt chặt đáng kể vào năm 2024, sau 2 năm các chính phủ hỗ trợ giới doanh nghiệp, hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng và đại dịch Covid-19.
Việc mở rộng chi tiêu công thời gian dài đã dẫn đến thâm hụt ngân sách tăng mạnh và tỷ lệ nợ chính phủ cao hơn trên toàn Eurozone. Do đó, cắt giảm các biện pháp hỗ trợ sẽ phần nào giúp lấp lỗ hổng ngân sách. Ngoài ra, kinh tế yếu kém khiến giá bất động sản thương mại ở Eurozone suy giảm mạnh cũng đang thách thức đối với lĩnh vực bất động sản khi mô hình kinh doanh này vốn được xây dựng dựa trên kịch bản lãi suất thấp trước đại dịch Covid-19. Những vấn đề nói trên đang được coi là những nguy cơ có thể gây ra các cú sốc cho hệ thống tài chính châu Âu.
Nhận định thị trường tài chính Eurozone khi xác suất xảy ra các rủi ro gia tăng, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos kêu gọi các ngân hàng trích lập thêm dự phòng cho các khoản nợ khó đòi, đồng thời khuyến nghị cơ quan quản lý yêu cầu các quỹ đầu tư nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản hơn. Ông Luis de Guindos cũng lưu ý, ECB sẽ thận trọng trong việc bắt đầu thu hẹp kho dự trữ trái phiếu trị giá 5 nghìn tỷ euro vào năm tới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm sớm nhất để ECB xem xét đưa ra quyết định hạ lãi suất và bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ có thể là vào tháng 6-2024. Cụ thể, dự báo lãi suất tiền gửi sẽ giảm xuống 2,75% vào cuối năm 2024 và 1,5% trong năm 2025. Điều này cũng còn tùy thuộc vào diễn biến và hệ lụy từ cuộc xung đột tại Ukraine và Dải Gaza. Do đó, châu Âu còn phải chờ thêm 1 năm nữa mới có thể đón nhận tín hiệu tươi sáng của nền kinh tế.
Kim Dung - Hà Nội mới