Fanpage quảng cáo bán gốm cao cấp, khách lại nhận được giày rẻ tiền: Cảnh báo mua hàng online
Kinhte&Xahoi
Đặt hàng mua sản phẩm gốm cao cấp trên fanpage gốm Phan Mạnh, nhưng khi nhận hàng khách lại nhận được một đôi giày không có giá trị.
Thương Trường thông tin, thời gian gần đây, tòa soạn liên tục nhận được phản ánh về trường hợp lừa đảo qua facebook tại fanpage gốm Phan Mạnh. Theo đó, nhiều khách hàng đặt mua các sản phẩm bộ ấm pha trà cao cấp của fanpage bán hàng online này khi nhận hàng lại là những đồ vật kém giá trị, không phải bộ ấm trà mình mua.
Cụ thể, chị B.B (Đống Đa, Hà Nội) đặt mua 2 bộ ấm trà tại fanpage gốm Phan Mạnh với giá 540.000 đồng, nhưng khi chị thanh toán tiền rồi mở hộp hàng thì bên trong là một đôi giày không có giá trị sử dụng. Sau khi biết mình bị lừa, chị B. đã liên hệ lại theo số điện thoại ghi tên người gửi nhưng không có người nghe máy. Liên hệ lại fanpage gốm Phan Mạnh mà chị đã mua hàng thì kết quả nhận được cũng như liên hệ qua số điện thoại.
Fanpage gốm Phan Mạnh. Ảnh: Thương Trường
Điều đáng nói, nhiều người mua hàng đã nhận ra điểm khác thường khi mua hàng trên Fanpage gốm Phan Mạnh nhưng trên bưu phẩm lại là Gốm Bảo Ngọc. Mặc dù vậy, vì lý do hàng dễ vỡ nên người bán không cho khách hàng kiểm tra trước, phải thanh toán mới được mở hộp.
Chị B. cho biết: “Dường như họ đã biết mình ở Hà Nội thì phải, khi mình hỏi địa chỉ shop ở đâu để qua xem hàng trực tiếp thì họ bảo tận Quảng Ninh, nhưng khi bưu phẩm gửi thì lại ghi ngay Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Thấy lạ, mình xác nhận lại thì họ bảo kho ở đó, tin tưởng thanh toán tiền, lấy hàng. Đến lúc biết bị lừa, mình gọi đến theo số điện thoại trên bưu kiện nhưng không có ai bắt máy".
Một khách hàng khác tại Đà Nẵng cũng gặp phải tình trạng tương tự, nhưng may mắn hơn, chị nhận được một ấm pha trà rẻ tiền, không giống như bộ mà mình đã đặt mua. Đem câu chuyện của mình lên facebook chia sẻ để cảnh báo mọi người, anh N. nhận được nhiều chia sẻ về việc nhiều người cũng từng bị lừa tương tự như vậy.
Chia sẻ của khách hàng trên mạng xã hội. Ảnh: Thương Trường
Được biết, đây không phải chiêu thức lừa đảo bán hàng online mới mẻ. Thời gian vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại liên quan đến việc mua sắm trực tuyến. Cụ thể, người tiêu dùng phản ánh về việc mua hàng trên mạng không giống với quảng cáo, có sự chênh lệch giá lớn giữa các nhà bán lẻ, nhà bán lẻ có dấu hiệu lừa đảo, công dụng của sản phẩm không được tốt như những nhận xét (review) trên mạng, khó khăn trong việc thanh toán bằng phương thức điện tử…
Cục CT&BVNTD khuyến cáo, khi cân nhắc về việc mua sản phẩm/dịch vụ qua mạng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ đó. Do đặc tính của mua sắm trực tuyến là không gặp trực tiếp nhà bán hàng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về nhà bán hàng. Bên cạnh việc tham khảo người thân, bạn bè, người tiêu dùng có thể sử dụng công cụ tìm kiếm về nhà bán hàng kèm từ khóa “nhận xét”, “chất lượng”, “có tốt không”, “lừa dối”/ “lừa đảo”,… Khi xuất hiện những dòng nhận xét không tốt trong mục kết quả, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ về quyết định mua hàng.
Ngoài ra, trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên cân nhắc về thương hiệu, uy tín của bên bán hàng; tìm hiểu thông tin liên lạc với người bán hàng trong trường hợp sản phẩm có vấn đề.
Việc đọc kỹ các điều khoản và điều kiện, cũng như chính sách đổi trả, dịch vụ hậu mãi khi mua hàng trực tuyến là rất cần thiết, điều này giúp củng cố sự tự tin khi mua và sử dụng hàng hoá, đồng thời giúp người tiêu dùng biết rõ các phương thức giải quyết vấn đề nếu phát sinh.