Cú trượt dài của Fecon trong năm 2023
Năm 2023, CTCP Fecon (Mã HoSE: FCN) đặt mục tiêu kinh doanh khá tham vọng, với doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý IV/2023 vừa được công bố, doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực thi công xây dựng nền móng và công trình ngầm này đã ghi nhận một năm kinh doanh khá thất vọng.
Cụ thể, trong quý cuối cùng của năm 2023, Fecon đạt doanh thu thuần hơn 1.049 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.
Do giá vốn bán hàng tăng chậm hơn, FCN cũng ghi nhận lợi nhuận gộp lên đến 157 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, Fecon có doanh thu tài chính giảm mạnh từ 130 tỷ đồng trong quý IV/2022, trở thành âm 259 triệu đồng trong quý IV/2023.
Đồng thời, chi phí tài chính của Fecon tăng đến 40%, đạt 101 tỷ đồng và tiếp tục đè nặng lên lợi nhuận của Công ty (trong đó, chỉ riêng chi phí lãi vay lên đến 79,8 tỷ đồng và chiếm gần 80% chi phí tài chính của Công ty).
Sau khi khấu trừ các chi phí và thuế, CTCP Fecon ghi nhận khoản lỗ hơn 44,7 tỷ đồng trong quý IV/2023, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 49,5 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, Fecon ghi nhận doanh thu thuần là hơn 2.879 tỷ đồng, giảm 5,4% so với thực hiện năm trước.
Năm 2023, với việc doanh thu tài chính giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính (đặc biệt là chi phí lãi vay tăng 22,6%), CTCP Fecon ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 43,1 tỷ đồng, trong khi năm 2022 Công ty từng báo lãi ròng hơn 51,6 tỷ đồng.
Được biết, trong 5 năm gần nhất, Fecon đều ghi nhận lợi nhuận dương nhưng đang trên đà đi lùi qua các năm: 248,6 tỷ (năm 2018), 211,5 tỷ đồng (năm 2019), 118,6 tỷ đồng (năm 2020), 68,3 tỷ đồng (năm 2021) và 39,6 tỷ đồng (năm 2022).
Như vậy, với lợi nhuận sau thuế âm 43,1 tỷ đồng trong năm 2023, CTCP Fecon đã có lần đầu tiên thua lỗ kể từ năm 2008 và không hoàn thành các mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận năm từng đề ra.
Khối nợ tiếp tục phình to
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của CTCP Fecon là hơn 8.773 tỷ đồng, tăng gần 1.200 tỷ đồng so với hồi đầu năm.Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền của FCN gấp 4 lần so với hồi đầu năm, ghi nhận hơn 707 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, doanh nghiệp này có nợ phải trả ở thời điểm kết thúc năm 2023 là hơn 5.413 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với đầu năm và cao gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu của Công ty.
Có thể thấy, cơ cấu nợ vay của CTCP Fecon đã có sự thay đổi nhưng nhìn chung vẫn có xu hướng gia tăng.
Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính đã tăng lên trên 2.953 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm nay và chiếm đến 54,5% tổng nợ của Công ty (trong đó ngắn hạn là 1.952 tỷ đồng, dài hạn là 1,001 tỷ đồng).
Trong những năm gần đây, nợ vay tăng mạnh cũng kéo theo chi phí lãi vay gia tăng, gây áp lực lên tài chính của Công ty. Cụ thể: Trong giai đoạn 2017 – 2020, chi phí lãi vay dao động quanh ngưỡng từ 80 – 90 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng đến năm 2022, chi phí lãi vay đã chạm ngưỡng 212 tỷ đồng.
Và đến năm 2023, chi phí lãi vay của CTCP Fecon đã lên đến trên 260 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Phải lùi thời hạn trả cổ tức, không phát hành hết được trái phiếu như kỳ vọng,
Như Pháp luật Plus từng thông ton, CTCP Fecon vừa qua đã phát hành thành công lô trái phiếu FCNH2325001, với giá trị 126 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm.
Lô trái phiếu FCNH2325001 được phát hành vào ngày 31/10/2023, hoàn tất phát hành tại ngày 31/12/2023 với thời gian đáo hạn là ngày 30/4/2025.
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo bao gồm: 1,5 triệu cổ phần Cổ phần Công ty Cổ phần Fecon (FCN); 10.279.000 Cổ phần Công ty Cổ phần FECON SOUTH (FCS); 10 triệu Cổ phần Công ty Cổ phần Năng lượng Fecon (FCP); 15.604.000 Cổ phần Công ty Cổ phần Công trình ngầm Fecon RAITO (FRU) và 7 triệu Cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Fecon (FCI) thuộc sở hữu của Các Bên Bảo Đảm/ Bên Thế Chấp.
Lô trái phiếu FCNH2325001 được phát hành tại thị trường trong nước, đối tượng chào bán là Cá nhân chuyên nghiệp và Tổ chức chuyên nghiệp, với khối lượng 1.500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khối lượng thực tế phát hành chỉ đạt 1.260 trái phiếu, tương ứng với giá trị thực tế phát hành là 126 tỷ đồng. Như vậy, lô trái phiếu nói trên của CTCP Fecon đã không thể phát hành hết 100% khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành.
Trước đó không lâu, CTCP Fecon cũng đã phải thông báo lùi thời gian thanh toán cổ tức 2022 bằng tiền sang quý 1/2024.
Về nguyên nhân lùi thời hạn, HĐQT Công ty cổ phần Fecon cho biết, trong năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của Công ty gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi.
Đầu năm 2023, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên tiến độ chào thầu cũng bị ảnh hưởng, việc ký kết hợp đồng bị kéo dài dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm của Công ty.
Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng cao do ảnh hưởng của các đợt tăng lãi suất cuối năm 2022 ảnh hưởng đến cân đối dòng tiền của của công.
Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng tiến hành siết chặt, kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng nên dòng tiền từ các hoạt động này cũng khó khăn hơn.
Mới đây nhất, vào ngày 6/2/2024, HĐQT CTCP Fecon đã ban hành Nghị quyết phê duyệt trả cổ tức năm 2022 bằng tiền.
Theo đó, HĐQT Công ty đã quyết nghị phê duyệt việc trả cổ tức năm 2022 bằng tiền, với tỷ lệ thực hiện là 5%/cổ phiếu (01 cổ phiếu được nhận 500 đồng), thời gian thanh toán được chia ra làm hai đợt:
Đợt 1 (tỷ lệ thực hiện 1%/cổ phiếu, 01 cổ phiếu nhận được 100 đồng), ngày thanh toán là 29/3/2024. Trong khi đó đợt 2 (4%/cổ phiếu, 01 cổ phiếu nhận được 400 đồng), dự kiến thực hiện tháng 12/2024.
Lê Hải - Pháp luật Plus