FLC bị cưỡng chế thuế, buộc ngừng sử dụng hóa đơn
Kinhte&Xahoi
Trong những ngày đầu năm, Tập đoàn FLC đã bị Cục thuế TP Hà Nội ra 2 quyết định cưỡng chế thuế với tổng số tiền lên tới hơn 768 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Chính phủ)
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) mới đây đã ban hành thông báo cho biết, doanh nghiệp này cho biết đã nhận quyết định của Cục Thuế TP Hà Nội về việc điều chỉnh quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.
Tổng số tiền bị cưỡng chế xấp xỉ 678,5 tỷ đồng, tăng 87,7 tỷ so với quyết định cưỡng chế ban hành ngày 14/7/2023.
Trong quyết định ngày 14/7/2023, Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp hơn 590 tỷ đồng.
Lý do cưỡng chế bởi FLC không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo các thông báo đã được gửi.
Đây là số tiền đơn vị không chấp hành nộp theo thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của Cục Thuế Hà Nội, Chi cục Thuế TP Hạ Long, Chi cục Thuế Khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình và thông báo nộp tiền thuê đất của Ban quản lý Khu kinh tế TP Quy Nhơn (Bình Định).
Trước đó, ngày 5/1, FLC cũng nhận được các quyết định của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng thuế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ở các ngân hàng.
Tổng số tiền cưỡng chế gần 90 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 61 tỷ đồng là tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân và phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp.
Như vậy, chỉ trong những ngày đầu năm, Tập đoàn FLC đã bị Cục thuế TP Hà Nội ra 2 quyết định cưỡng chế thuế với tổng số tiền lên tới hơn 768 tỷ đồng.
Trước đó, như Pháp luật Plus đã thông tin, ngày 2/1/2024, Tập đoàn FLC đã có công bố thông tin về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2024 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông được đại diện Tập đoàn FLC công bố, có 94 người đến tham gia phiên họp bất thường sáng ngày 2/1. Số cổ đông này nắm hơn 227 triệu cổ phần, tương đương khoảng 32% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Do đó, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 của FLC đã không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Luật Doanh nghiệp và khoản 1 Điều 18 Điều lệ công ty do số cổ đông dự họp đại diện không đủ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của công ty.
FLC sẽ tổ chức cuộc họp bất thường này lần 2 và gửi thông báo tới cổ đông theo quy định của công ty.
Lê Hải - Thanh Bình - Pháp luật Plus