Vượt dịch bệnh
Năm 2010, anh Hứa Đức Thái, sinh năm 1988 (quê ở Thái Nguyên) vào miền Nam lập nghiệp sau khi học xong hai năm ở trường nghề. Anh Thái làm đủ thứ việc từ chạy xe taxi, phụ hồ, làm công nhân trong nhà máy, thợ cơ khí nhưng công việc bấp bênh, thu nhập thấp. Năm 2013, anh và chị Thái Thị Thắm (sinh năm 1991), gặp nhau và nên duyên về chung một nhà.
Đôi vợ chồng trẻ cùng làm công nhân, người làm ở Thành phố Hồ Chí Minh, người làm ở Bình Dương. Cuộc sống công nhân vốn khó khăn, đại dịch Covid-19 ập đến càng trở nên khốn khổ, chật vật trăm bề. Khi Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và nhiều tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, anh Thái, chị Thắm cùng hai đứa con phải “ở yên tại chỗ”.
Công việc ngừng trệ, bốn miệng ăn chỉ biết nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể. Đau đớn hơn là cả anh và vợ cùng các con đều trở thành F0 Covid-19.
Anh Hứa Đức Thái cùng con gái trong hành trình từ Bình Dương trở về quê sau khi khỏi bệnh do Covid-19
Anh Thái kể: “Cuộc sống như sụp đổ khi các thành viên trong gia đình, đầu tiên là tôi, lần lượt phát hiện mắc các triệu chứng của Covid-19. Cả xóm trọ nghèo cũng bị nhiễm gần hết. Vừa đói kém, vừa bệnh dịch, chúng tôi chỉ biết trông vào sự may mắn để “tai qua nạn khỏi”. Thế rồi, sau quá trình cách ly, điều trị y tế, chúng tôi cũng đã khỏi bệnh. Chính bản thân trải qua những ngày tháng “đen tối” mới thấy trân quý vô cùng cuộc sống “bình thường mới”.
Một ngày cuối tháng 10/2021, anh Thái và một cô con gái được trở về Thái Nguyên trên chuyến bay cộng đồng. Dù xa vợ và một cô con gái nữa ở lại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hai anh chị dặn lòng phải cố gắng, chấp nhận sự xa cách để cuộc sống ngày mai tốt đẹp hơn.
Anh Thái bày tỏ: “Hai bố con về quê, vợ vẫn bám trụ lại công ty, một cô con gái của tôi đang học trong đó nên chưa thể trở về miền Bắc được. Hiện, tôi đang ở khu cách ly của tỉnh Thái Nguyên. Tôi biết cuộc sống sau những ngày trải qua dịch bệnh cũng không hề dễ dàng nhưng được về quê tránh dịch, bắt đầu cuộc sống mới là quá hạnh phúc rồi. Trước hết, tôi tuân thủ hoàn thành thời gian cách ly, rồi sẽ về ở với bố mẹ và làm nông nghiệp. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục tính toán hướng đi mới trong sự nghiệp”.
Theo anh Thái, trong cuộc sống “bình thường mới”, anh cũng xác định “sống chung” với dịch bệnh nên luôn thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vắc xin; Thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định phòng, chống dịch Covid-19. Anh cho rằng, cuộc sống bình thường mới không có nghĩa bỏ hết những thói quen, lề lối cũ mà chúng ta phải nhìn ra những điều cần thay đổi để thích ứng trong điều kiện mới, sau những ngày dịch bệnh vô cùng phức tạp.
Xây dựng cuộc sống “mới”
Đã trở về quê nhà trên chuyến bay cộng đồng và vượt qua những ngày căng thẳng vì dịch bệnh tại tỉnh Bình Dương nhưng Covid-19 thực sự trở thành nỗi ám ảnh với chị Phùng Thị Phượng (xã Đồng Thịnh, Định Hóa, Thái Nguyên).
Chương trình "Triệu túi an sinh" hỗ trợ thanh niên công nhân, người dân tại các xóm trọ (Ảnh Đức Huy)
“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Bình Dương thực hiện giãn cách, vợ chồng mình cũng như rất nhiều gia đình khác rơi vào cảnh thất nghiệp. Không việc làm, không tiền sinh hoạt, hai vợ chồng chỉ biết trông cậy vào sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan, đoàn thể. May mắn, chúng mình nhận được hỗ trợ thường xuyên nên đã vượt qua”, chị Phượng nhớ lại.
Một điều chị Phượng cảm thấy may mắn chính là đứa con thơ gửi ông bà ngoại, bình an ở quê nhà Thái Nguyên, không phải chịu khó khăn, sợ hãi bởi dịch bệnh. Cũng vì con mà đầu năm 2021 vợ chồng chị Phượng quyết định vào Bình Dương làm công nhân.
Mọi chuyện tưởng thuận lợi thì dịch bệnh ập đến. “Ban đầu chúng mình nghĩ chỉ giãn cách 14 ngày nên không đăng ký “3 tại chỗ” (ăn, ở, làm việc tại công ty). Hai vợ chồng cố gắng khắc phục trong 14 ngày rồi quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hai vợ chồng mất việc trong gần 3 tháng”, chị Phượng chia sẻ.
Vì thế, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, chị Phượng quyết định trở về quê còn chồng chị vẫn ở lại Bình Dương làm việc. Chị Phượng đã được tiêm 2 mũi nên sẽ cách ly tập trung 7 ngày. Mong muốn lớn nhất của chị bây giờ là sớm tìm được việc làm để có tiền lo cho con.
Có việc làm, ổn định cuộc sống, chăm lo cho con là điều chị Phượng cũng như rất nhiều lao động trẻ khác mong muốn. “Trải qua nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh chúng mình càng thêm trân trọng cuộc sống bình thường. Chúng mình sẽ cố gắng lao động để vượt qua khó khăn”, chị Phượng tâm sự.
Với những vợ chồng trẻ như gia đình anh Thái, chị Phượng, trong chữ "mới" còn có thể hàm chứa những thách thức như sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn, biết trân trọng cuộc sống, yêu thương nhau hơn. Nhiều người bây giờ chưa thể đi làm, một số mất việc, số khác phải chuyển ngành nghề để kiếm sống… tuy nhiên đó cũng là sự thay đổi, thích nghi và chuyển dịch nhanh chóng buộc mỗi người, mỗi gia đình cần thích ứng.
Triển khai Nghị quyết Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sẽ tổ chức điễn đàn đối thoại “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” với chủ đề “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” vào ngày 7/11.
Diễn đàn sẽ có sự tham gia của các khách mời là chuyên gia tâm lý học, xã hội học, y tế và đại diện gia đình trẻ chia sẻ về những thách thức mà họ gặp phải trọng thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 về kinh tế, nuôi dạy con, ứng xử và những giải pháp để khắc phục; Tư vấn các giải pháp để đối mặt với trạng thái “bình thường mới” hậu Covid-19… |
Nguyễn Dũng - Lê Dung - TTTĐ