Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.
Theo đó, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 03/6/2024.
Giá vàng niêm yết trên SJC.
Ở thị trường trong nước, giá vàng đã tăng trở lại trong đầu tuần này. Sau chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp, giá vàng nhích nhẹ cả ở thị trường trong nước và quốc tế.
Cụ thể, giá vàng SJC niêm yết tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC đang ở mức 87,59– 89,9 triệu đồng/lượng (theo chiều mua vào – bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng theo cả hai chiều mua vào và bán ra so với mức giá mở cửa tuần này.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 87,90 – 89,60 triệu đồng/lượng (theo chiều mua vào – bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng theo cả hai chiều mua vào và bán ra so với mức giá mở cửa tuần này.
Tại PNJ, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 87,77 – 89,50 triệu đồng/lượng (theo chiều mua vào – bán ra), tăng 220.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với mức giá mở cửa tuần này.
Trong khi đó, tại Doji, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 87,7 – 89,3 triệu đồng/lượng (theo chiều mua vào – bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng theo chiều mua vào so với mức giá mở cửa tuần này.
Ảnh minh họa.
Trên thị trường thế giới, vào lúc rạng sáng 28/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.337,0 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới hiện có giá 71,8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, so với giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC đang cao hơn khoảng 16,9 triệu đồng/lượng.
Tuần trước, giá vàng thế giới giảm mạnh liên tiếp do áp lực chốt lời sau khi thiết lập kỷ lục mới. Tuần này, giá vàng đang trên đà phục hồi nhẹ.
Thị trường vàng đang quan tâm tới dữ liệu lạm phát với chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE).
Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Với tốc độ tăng như hiện nay, lạm phát hàng năm của Mỹ có thể chỉ ở mức 3%, hoặc vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Các nhà kinh tế sẽ chú ý đến báo cáo GDP cập nhật và dữ liệu niềm tin của người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng giá vàng có thể sẽ giảm, trong khi một nửa số nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tin rằng kim loại quý có thể tăng cao hơn trong ngắn hạn.
Lê Hải - Pháp luật Plus