Giáo sư Việt từng từ chối lời mời làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT của Bác Hồ là ai?
Kinhte&Xahoi
Không ai khác chính là Giáo sư Ngụy Như Kon Tum - Thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam.
Chuyện kể sau ngày 2/9/1945 lịch sử của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm gặp GS Ngụy Như Kon Tum, mời ông ra làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Thế nhưng thay vì đồng ý, ông lại khéo léo từ chối: “Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ”.
Sau đó, ông đề cử GS Nguyễn Văn Huyên giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, còn về phần mình vui vẻ nhận lời làm Giám đốc Trung học vụ (thuộc Bộ Giáo dục).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và GS Ngụy Như Kon Tum (bên phải)
GS Ngụy Như Kon Tum (1913 - 1991), người gốc Huế nhưng sinh ra và lớn lên tại Kon Tum. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh hơn người. Năm 1932, với kỳ tích đậu Tam nguyên cả ba bằng tú tài, ông được nhận học bổng du học ở Pháp. Trong 3 năm du học, GS Ngụy Như Kon Tum lấy được bằng cử nhân khoa học, sau đó là thạc sĩ Vật lý, trở thành người Việt đầu tiên có bằng thạc sĩ Vật lý. Sau đó, ông tiếp tục học lên Tiến sĩ.
Năm 1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, ông Ngụy Như Kon Tum quyết định về phục vụ đất nước. Ông tham gia giảng dạy, cùng những vị trí thức yêu nước khác thúc đẩy việc sử dụng Tiếng Việt trong ngành giáo dục, vun đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Năm 1945, khi nhận được “lời mời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Ngụy Như Kon Tum lúc ấy là Giám đốc Đông Dương học xá.
Sau này khi ông mất, để tưởng nhớ vị trí thức yêu nước, Hà Nội có con đường đặt theo tên ông. Trong trường Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có hội trường mang tên Ngụy Như Kon Tum. Riêng tại tỉnh Kon Tum, một con đường, một trường học và một quỹ khuyến học cũng được đặt theo tên vị GS đáng kính.
nguonluc