Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách trong tháng 5
Kinhte&Xahoi
Ngày 31-5, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 5-2023, ước tính Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022, giảm 8% với tháng 4-2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 316 nghìn lượt.
Theo Sở Du lịch, số lượng khách quốc tế trong tháng 5 tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022, giảm 21% so với tháng 4-2023. Khách du lịch nội địa ước đạt 1,7 triệu lượt khách, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022 và so với tháng 4-2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 7,26 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 11,4% so với tháng 4-2023.
Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng. Ảnh minh họa.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 10 triệu lượt, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,71 triệu lượt, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng 92,4% với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động cơ sở lưu trú, tính đến tháng 5-2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng, trong đó có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 đến 5 sao ước đạt khoảng 65,7%, tăng 0,2% so với tháng 4-2023 và tăng 20,5% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 60,1% tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, hiện Sở phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành đầy đủ các nội dung liên quan đến quy hoạch cụm du lịch trọng điểm, mạng lưới các điểm đến du lịch trọng điểm gắn với không gian quy hoạch chung của Thủ đô trong Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm, khu vực Ba Vì… Sở đề nghị các địa phương cần cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng nội khu, hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng dịch vụ tại các bến cảng đường thủy phục vụ phát triển các tuyến du lịch đường thủy.
Hoàng Lân - Hà Nội mới