Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm đánh giá thực trạng phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020; Xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2016 -2020, kinh tế khu vực đô thị ở Hà Nội phát triển nhanh, tạo được vai trò động lực đối với phát triển kinh tế của toàn Thành phố. Sự phát triển của các ngành kinh tế trong khu vực đô thị phù hợp với đặc trưng của kinh tế đô thị, đạc biệt là những nét đặc thù của Thủ đô so với các địa phương khác.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như tăng trưởng kinh tế đô thị chưa thực sự bền vững, thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế không đều qua các năm. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ ở nhiều quận còn thấp hơn ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ, công nghiệp có giá trị tăng cao đóng góp vào tăng trưởng còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm…
Hà Nội tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Ảnh Hoàng Thành.
Qua đó, UBND TP. Hà Nội đưa ra Đề án về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế đô thị TP. Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội theo hướng nhanh hiệu quả, bền vững góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, huy dọng và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tiếp tục phát huy vai trò động lực tăng trưởng, khả năng dẫn dắt đối với khu vực nông thôn, kinh tế Thủ đô và kinh tế Vùng Thủ đô; góp phần quan trọng đưa Hà Nội đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới…
Đề án nêu ra nhiều giải pháp để phát triển các ngành kinh tế đô thị, trong đó có việc phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, văn hoá, giáo dục, kinh tế số…
Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, Thành phố đề ra 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, kế hoạch và các chương trình ưu tiên thực hiện.
Đáng chú ý, tại Phụ lục danh mục các chương trình/dự án/đề án/kế hoạch/nhiệm vụ thực hiện đến năm 2025 có Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. Giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 - 2025.
Đồng thời phối hợp với Công an Thành phố lập đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.
Ảnh minh họa
Phụ lục danh mục các chương trình/dự án/đề án/kế hoạch/nhiệm vụ thực hiện đến năm 2025.
Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng sẽ phát triển các mô hình kinh tế mới như: Kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế du lịch, kinh tế thể thao, kinh tế vỉa hè, kinh tế tuần hoàn... và quy hoạch, phát triển, cải tạo chỉnh trang đô thị để phục vụ phát triển kinh tế đô thị
Để thực hiện Đề án, UBND Thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là đơn vị thường trực theo dõi kết quả thực hiện Đề án, có trách nhiệm tổng kết, báo cáo các kết quả thực hiện hàng năm; kiến nghị các hoạt động tiếp theo.
Các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao tại Đề án.
Như Trường - Pháp luật Plus