Biến thể phụ BA.2 (chủng Omicron) chiếm ưu thế trong các ca F0
Quang cảnh hội nghị
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tuần vừa qua, trung bình ghi nhận 27.283 ca/ngày, tăng so với kỳ báo cáo trước; Ngày cao nhất ghi nhận 32.650 ca.
Tính đến ngày 9/3, Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng chiếm tỷ lệ 80% (93/109 mẫu) mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính được giải trình tự gen ngẫu nhiên từ ngày 4/12/2021 đến 1/3/2022, trong đó, chiếm ưu thế là biến thể phụ BA.2 (86/93 mẫu). Như vậy, bước đầu đã có những bằng chứng kết luận, chủng Omicron đã là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Trong thời gian tiếp theo, số mắc sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến chủng này.
Sở Y tế nhận định, thời gian qua, số mắc tăng nhanh, tuy nhiên các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch (kiểm soát tỉ lệ tử vong, chuyển nặng; Số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống) vẫn được đảm bảo, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo đánh giá mức độ dịch trên địa bàn thành phố, đến nay, Hà Nội có 66/579 xã, phường, thị trấn cấp độ 1; 187/579 xã, phường, thị trấn cấp độ 2; 326/579 xã, phường, thị trấn cấp độ 3; Không có xã, phường, thị trấn nào cấp độ 4. Về công tác tiêm chủng, toàn thành phố đã tiêm được 16.124.773 mũi tiêm.
Từ ngày 27/4 đến nay, các bệnh viện, cơ sở thu dung, các địa phương đã tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 495.130 bệnh nhân; hiện đang điều trị 242.971 người…
Thông tin tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhận định, biến thể phụ BA.2 (chủng Omicron) chiếm ưu thế trong các ca F0 tại Hà Nội, với tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân ở tầng 2 tầng 3 có chiều hướng giảm nên những ngày qua, tỷ lệ F0 nhập viện chỉ chiếm 1-1,5%. Thành phố Hà Nội đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh ở ngưỡng an toàn song ngành Y tế vẫn tiếp tục giải trình tự gen để có các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình chung.
Để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng phần mềm trong quản lý F0; Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi 3 khi được phân bổ; Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, y tế tại địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc Molnupiravir tránh việc găm hàng, tăng giá…
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin tại hội nghị
Vào cuộc tích cực hỗ trợ người dân
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các quận, huyện đã báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn trong tuần qua. Là một trong những nơi đông dân và gặp tình trạng quá tải hệ thống y tế cơ sở, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết trong tuần qua, ngoài các tổ COVID-19 cộng đồng, quận đã được TP tăng cường 139 cán bộ y tế để hỗ trợ cho trạm y tế của 14 phường thuộc quận. Nhờ đó, các cơ sở đã giải quyết tốt hơn các thủ tục hành chính và công tác tiêm chủng cho người dân.
Đại diện UBND quận Hoàng Mai cũng cho biết, để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế phường Hoàng Liệt, quận đã tổ chức thêm 1 trạm y tế ở khu HH Linh Đàm. Ngoài ra, quận cũng thành lập 1 trạm riêng để chăm sóc, giải quyết thủ tục F0 cho khu HH Linh Đàm. Nhờ vậy, cho đến nay, người dân không còn phải đến trạm y tế phường để giải quyết thủ tục hành chính.
Về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm cho người lao động bị nhiễm COVID-19, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố cho biết, đơn vị đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm cho nội dung này. Hiện, phần mềm đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ được thực hiện thí điểm trong thời gian tới.
Liên quan tới nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị cần phối hợp triển khai gấp, không chờ tới tuần sau; Đồng thời giao Sở TT&TT và BHXH thành phố tập huấn triển khai đại trà việc dùng chữ ký số, liên quan tới các thủ tục xác nhận BHXH cho các đối tượng người dân có nhu cầu.
“Đề nghị các đồng chí vào cuộc sớm, có thể tập huấn buổi tối bằng các hình thức trực tuyến, không chờ ngày, giờ. Phải vào cuộc tích cực, giúp cho người dân được việc gì thì cần làm ngay”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Tăng cường phối hợp, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên mắc COVID-19
Tại phiên họp, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tính đến ngày 10/3 đã có 237 cơ sở giáo dục cho học sinh đi học trở lại; Có tổng số 91 nghìn học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp, giảm bằng khoảng 52% so với tuần đầu tiên khi đi học trở lại. Trong thời gian tới, các nhà trường tiếp tục triển khai hình thực học trực tiếp và trực tuyến; Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên khi bị mắc COVID-19.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Tính đến ngày 10/3, tổng số F0 của toàn ngành Giáo dục Hà Nội là hơn 268 nghìn trường hợp. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt vận dụng các hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.
Hạnh Nguyên - TTTĐ