Ngoài ra, người có hành vi xin ăn, xin tiền (bao gồm người đi cùng); người dẫn theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo người đi đường (bao gồm trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi đi cùng)… đều cần tập trung để thực hiện công tác bảo trợ xã hội..
Đó là một số nội dung mới được nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17-4-2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Công an thành phố Hà Nội tổ chức sáng 17-8.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hôi Hà Nội Nguyễn Hồng Dân trao đổi tại hội nghị.
Tại hội nghị, phân tích các nội dung mới trong công tác tập trung người lang thang xin tiền, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc phân định rõ người “có hành vi” xin ăn, xin tiền với người lang thang, xin tiền nói chung nhằm tạo thuận lợi cho công tác tập trung các đối tượng cần được bảo trợ xã hội, bảo đảm bất cứ ai có hành vi xin ăn, xin tiền là đủ điều kiện tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng.
Người có hành vi xin ăn, xin tiền được lập hồ sơ quản lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng trong tối đa 3 tháng. Tuy nhiên, trường hợp quá 3 tháng chưa xác định được nơi cư trú của đối tượng hoặc vì lý do bất khả kháng chưa đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng thì giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định giải pháp nuôi dưỡng phù hợp.
Đối với người có hành vi xin ăn, xin tiền (từ lần thứ 2 trở lên), căn cứ hồ sơ lưu trữ, quản lý, giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội hoàn thiện hồ sơ báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định tiếp nhận, chuyển cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng trong thời gian tối đa 3 tháng hoặc xem xét giải pháp nuôi dưỡng phù hợp.
Đáng chú ý, người cao tuổi, trẻ em bị đi lạc gia đình; người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên đán hoặc thời tiết rét đậm dưới 10OC được đưa đến các cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng lâu dài đối với người chưa xác định được nơi cư trú.
Người tâm thần lang thang được đưa đến các bệnh viện tâm thần. Còn người lang thang ốm yếu, sức khỏe suy kiệt được đưa đến các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế để điều trị ổn định.
Quang cảnh hội nghị.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác tập trung, tiếp nhận người có hành vi xin ăn, xin tiền, ông Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cho biết, hiện nay, tình trạng bảo kê, chăn dắt người ăn xin càng ngày càng gia tăng, chuyên nghiệp, bài bản, có sự phân công, bố trí người đứng tại các cửa ngõ vào nội thành với mục đích theo dõi di chuyển xe ô tô của Trung tâm để cảnh báo, đánh động cho các đối tượng xe ôm biết và đưa người ăn xin đi nơi khác. Mặt khác, đối tượng bảo kê manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Nhằm tháo gỡ khó khăn nêu trên, đại diện các sở, ngành đã đề xuất một số giải. Trong đó, ban quản lý các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cần làm tốt công tác phát hiện người có hành vi xin tiền tại cơ sở, báo cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, Công an thành phố quan tâm phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn kỹ năng tập trung người lang thang cho viên chức, người lao động trong các cơ sở trợ giúp xã hội và cán bộ các xã, phường thị trấn thực hiện công tác tập trung người lang thang xin tiền. Đồng thời, tăng cường xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội hoặc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự đối với các đối tượng bảo kê, chăn dắt người ăn xin để trục lợi…
Mai Hoa - Hà Nội mới