Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người gặp khó khăn do dịch Covid-19
Đa dạng hoá nguồn lực hỗ trợ
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp gây hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khiến hàng triệu người lao động phải ngừng việc, thậm chí mất việc làm. Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”, “ai ở đâu, ở yên đó” đảm bảo hiệu quả nhưng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt thường nhật và cả sinh kế của người dân, nhất là những người lao động thời vụ, lao động phải tạm dừng hoặc mất việc.
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời và thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với những người bị ảnh hưởng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, giúp người dân có thêm động lực, yên tâm tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh việc triển khai 12 nhóm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội còn bổ sung các chính sách đặc thù hỗ trợ thêm 10 nhóm đối tượng ngoài các đối tượng được quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP.
Theo giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạch Liên Hương, tính chung, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, Hà Nội đã có gần 2,474 triệu lượt người, hộ gia đình được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, hỗ trợ nguồn lực an sinh xã hội.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho khoảng 570.000 lượt người, hộ gia đình. Tính chung, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, Hà Nội đã có gần 2,474 triệu lượt người, hộ gia đình được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, hỗ trợ nguồn lực an sinh xã hội.
Bày tỏ tâm trạng của mình khi được nhận hỗ trợ từ thành phố, bà Nguyễn Thị Hòa (Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no, số tiền này thực sự ý nghĩa trong lúc 6 thành viên trong gia đình chúng tôi không còn nguồn thu nhập từ gánh hàng rong. Nhờ có các khoản hỗ trợ, chúng tôi lại được mua gạo, muối, rau để tiếp tục duy trì cuộc sống, an tâm phòng chống dịch”.
Gỡ mọi rào cản giúp người dân tiếp cận hỗ trợ
Thực tế, Hà Nội là địa bàn rộng, số người thụ hưởng đông, đa dạng, trong khi việc triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội đúng vào thời gian thành phố giãn cách xã hội, nên gặp nhiều khó khăn.
Để chia sẻ khó khăn với những đối tượng yếu thế, thành phố đã triển khai các chính sách theo hướng chủ động, linh hoạt. Cũng theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương, những vướng mắc xuất phát từ thực tiễn đã được Hà Nội chủ động tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ.
Chẳng hạn, UBND TP Hà Nội đã cho cho phép các cơ quan chức năng thực hiện một số thủ tục theo hình thức gián tiếp (qua bưu điện hoặc online) để tạo điều kiện cho lao động tự do tạm trú được tiếp cận với chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, viên chức hoạt động nghệ thuật... cũng được các bên liên quan tìm hướng đưa vào đời sống. Nhờ sự chủ động, linh hoạt đó, đến nay, cả 30/30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 103.873 lao động tự do với số tiền 155,8 tỷ đồng. Đã có 80.207 lao động tự do được nhận số tiền 120,31 tỷ đồng.
Mới đây, tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng khẳng định, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội, ban hành nhiều chính sách đặc thù. Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục rà soát các đối tượng khó khăn, tính toán để hỗ trợ vòng thứ 2.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có thể thấy, đến thời điểm này, các chính sách an sinh xã hội của Hà Nội đã được khẩn trương triển khai, bao quát nhiều mặt của đời sống, hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là những người dân đang sống tại các “vùng đỏ”, giúp người dân yên tâm trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
An Nhiên - ANTĐ