Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Số mắc ngày hôm sau với ngày hôm trước tại nhiều nước vẫn tiếp tục tăng lên.
Khu vực châu Á nổi lên tại Ấn Độ, nước này đang phải chịu một làn sóng lây nhiễm thứ hai rất dữ dội. Vào ngày 9/4/2021, Ấn Độ ghi nhận hơn 145.000 ca nhiễm mới, một kỷ lục tuyệt đối kể từ khi bắt đầu đại dịch. Để đối phó, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh việc tiêm phòng cho người dân và không còn vaccine để xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo
Tại khu vực Đông Nam Á, ngày 11/4, Chính phủ Thái Lan cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 967 ca nhiễm mới, con số cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát ở quốc gia này. Cộng dồn đến nay, thế giới ghi nhận 136.607.603 ca mắc, và 2.948.509 ca tử vong.
Tại Việt Nam, từ ngày 5-12/4/2021, ghi nhận 65 ca mắc mới đều là người nhập cảnh. - Cộng dồn đến nay nước ta ghi nhận 2.696 ca mắc, 35 ca tử vong. Tại Hà Nội, từ ngày 5-12/4/2021, Hà Nội ghi nhận thêm 03 ca mắc mới là người từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát tuy nhiên nguy cơ vẫn ở mức cao bởi các lý do: Dịch bệnh trên Thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trong khi đó các chuyên gia tiếp tục được nhập cảnh tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Hiện nay dịch bệnh tại các nước khu vực Đông Nam Á vẫn gia tăng, đặc biệt là tại Campuchia, bên cạnh đó Lào cũng vừa ghi nhận trường hợp mắc ngoài cộng đồng sau 1 năm không ghi nhận; Đây lại là các nước có đường biên giới tiếp giáp nhiều với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nhập cảnh trái phép vào nội địa và nguy cơ dịch bệnh theo đó cũng xâm nhập vào nước ta.
Thời gian tới Ban Chỉ đạo yêu cầu các sở ban ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân nắm rõ tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch để phối hợp, chấp hành các chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố, tránh tâm lý lơ là chủ quan. Yêu cầu các tổ chức, cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh,... và Nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine Covid-19 đợt 2 theo kế hoạch, việc đảm bảo tiêm phải đảm bảo an toàn và hiệu quả; Đẩy nhanh tiến độ triển khai xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở khẩm chữa bệnh đối với nhân viên y tế và các bệnh nhân có nguy cơ...
Chuẩn bị kỹ lưỡng việc tiêm vaccine Covid - 19 đợt 2
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch bệnh ở các cửa khẩu; các cơ sở y tế; thực hiện nghiêm các quy định trong khu cách ly tập trung, đặc biệt lưu ý các khách sạn thực hiện cách ly; các quận, huyện, thị xã duy trì trạng thái sẵn sàng thực hiện các quy trình…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp
Đáng chú ý, về việc tiêm vaccine, đợt 2 quy mô lớn hơn nhiều, đối tượng mở rộng hơn, Phó Chủ tịch UBND TP nhắc Sở Y tế cần làm bài bản từ khâu tuyên truyền, tập huấn, quy trình tiêm chủng phải thực hiện nghiêm túc từ khám sàng lọc đến theo dõi sau tiêm, hạn chế tối đa các tình huống xấu xảy ra do chủ quan… “Số lượng, danh sách người trong diện được tiêm chủng đợt 2 cần phải đúng đối tượng, đúng quy định, không để sai sót làm mất niềm tin của người dân”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.
Tại phiên họp, về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền để người dân biết, nắm rõ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Sở Y tế đề nghị các quận huyện, thị xã chỉ đạo Phòng GD&ĐT cùng Trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch cho giáo viên, học sinh; khuyến cáo phụ huynh; hướng dẫn nhà trường vệ sinh môi trường lớp học bằng xã phòng hoặc cloramin B; thông tin kịp thời các trường hợp mắc cho cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, xử lý dịch.
UBND TP các xã phường, thị trấn tăng cường kiểm tra đôn đốc các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học và các nhóm trẻ, nhà trẻ gia đình để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh môi trường, cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, săn sạch, ở sạch…
“Hà Nội đạt tỉ lệ tiêm chủng cao nhất toàn quốc trong đợt 1 tiêm vaccine Covid-19. TP dự trù tiêm vaccine cho 350.000 người trong năm 2021. Đến năm 2022, sẽ có thêm nhiều nguồn vaccine Covid-19 trong đó có vaccine của Việt Nam sản xuất giá rẻ hơn (dự kiến khoảng 120.000 đồng/liều). Việc tiêm vaccine phải đặt an toàn lên hàng đầu”, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà |
Công Thọ - Theo KTĐT