VNDirect khôi phục hệ thống, tuy nhiên nhà đầu tư chưa thể mua bán trở lại
Chiều 27/3, Công ty CP Chứng khoán VNDirect (Mã HoSE: VND) thông báo đã khôi phục được hệ thống và đang tiến hành rà soát, đánh giá lại để đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh cho khách hàng giao dịch tại công ty.
VNDirect cũng cung cấp địa chỉ để khách hàng tra cứu số dư trên hệ thống My Account và khuyến nghị khách hàng đổi mật khẩu ngay sau khi đăng nhập hệ thống.
VNDirect cho biết, sẽ triển khai lộ trình mở lại hệ thống theo 4 giai đoạn như sau: Giai đoạn 1, hệ thống tra cứu được trạng thái và thông tin tài khoản của khách hàng trên My Account.
Giai đoạn 2, mở lại hệ thống giao dịch tiền, giao dịch chứng khoán cơ sở và phái sinh trên cơ sở thông sàn với Sở giao dịch.
Giai đoạn 3, các sản phẩm tài chính khác đi vào hoạt động trở lại. Giai đoạn 4, toàn bộ các tính năng khác.
Thông báo mà VNDIRECT phát đi tại website của Công ty.
Theo VNDirect, hiện hệ thống đã hoàn thành giai đoạn 1. Do hệ thống mới vừa được khôi phục và có thể có lượng lớn khách hàng truy cập, nếu có lỗi xảy ra, khách hàng nên chờ đợi và tải lại trang vào thời gian khác.
“Thời gian cụ thể cho các giai đoạn còn lại, chúng tôi sẽ gửi tới quý khách hàng trong những thông báo tiếp theo”, thông báo của VNDirect nhấn mạnh.
Như vậy, ngay từ chiều 27/3, khách hàng đã có thể tra cứu được trạng thái và thông tin tài khoản của khách hàng trên My Account của VNDirect.
Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư quan tâm lúc này, đó là khi nào giai đoạn 2 được triển khai. Khi đó VNDirect mở lại hệ thống giao dịch tiền, giao dịch chứng khoán cơ sở và phái sinh trên cơ sở thông sàn với sở giao dịch chứng khoán.
Dù VNDirect công bố đã khôi phục lại hệ thống, nhưng khách hàng của công ty chứng khoán này vẫn không có thêm thông tin cụ thể về ngày được giao dịch trở lại. Nếu chưa thể bước tới giai đoạn 2, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng bị “treo” giao dịch, chưa thể mua bán.
Vốn hóa “bốc hơi” hơn 1.200 tỷ đồng kể từ khi hệ thống bị tấn công
Trước đó, như đã thông tin, VnDirect ngày 25/3/2024 từng đưa ra thông báo cho biết, hệ thống VnDirect bị tấn công từ sáng Chủ nhật ngày 24/3.
Hiện nay, trên sàn HoSE, VNDirect đang nắm thị phần lớn thứ 3 tại Việt Nam với 7,01%, đứng sau 2 doanh nghiệp đầu ngành khác là Công ty Chứng khoán VPS (19,06%) và Công ty Chứng khoán SSI (10,44%).
Ảnh giao dịch kết phiên ngày 27/3. Ảnh Lê Hải
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VND của Công ty CP Chứng khoán VNDirect bị nhà đầu tư bán tháo trong hai ngày đầu kể từ khi xảy ra sự cố.
Theo ghi nhận, thanh khoản của cổ phiếu VND vọt lên mức cao thứ 2 trong lịch sử giao dịch của mã chứng khoán này.
Cụ thể, ở phiên giao dịch ngày 25/3 và 26/3, khối lượng giao dịch của mã VND đã tăng vọt lên đến 86,3 triệu cổ phiếu và 81,7 triệu cổ phiếu.
Đóng cửa phiên chứng khoán 27/3/2024, cổ phiếu VND giảm còn 23.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 4,12% so với ngày 22/3 (giá 24.300 đồng/CP) - phiên giao dịch ngay trước thời điểm hệ thống bị tấn công.
Như vậy, kể từ thời điểm hệ thống VNDirect bị tấn công và gặp sự cố, vốn hóa của Công ty CP Chứng khoán VNDirect đã giảm khoảng 1.218 tỷ đồng.
Kết phiên giao dịch ngày 27/3, cổ phiếu VND đã giảm về còn mốc 23.300 đồng/CP.
Ngay sau sự cố trên của VNDirect, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phải phát đi Cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến
Theo UBCKNN, trên thị trường đã xuất hiện trường hợp công ty chứng khoán bị tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến hệ thống giao dịch chứng khoán của công ty đó tạm thời dừng hoạt động.
UBCKNN đã có Công văn số 1837/UBCK-CNTT ngày 25/3/2024 cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến, yêu cầu các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ thực hiện ngay các nội dung nhằm đảm bảo sự hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt của thị trường chứng khoán.
"Trong trường hợp công ty phát hiện các dấu hiệu mất an toàn bảo mật phải chủ động, tập trung nguồn lực để xử lý, khắc phục; kịp thời báo cáo UBCKNN; các sở giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (đối với công ty chứng khoán thành viên) và các cơ quan chức năng để phối hợp chỉ đạo, xử lý" – Một trong những nội dung đáng chú ý trong công văn của UBCKNN.
Lê Hải - Pháp luật Plus