Vì vậy, việc quy tụ các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu trọng tâm của các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước trong năm 2023.
Sản xuất thiết bị máy công nghiệp tại Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (huyện Chương Mỹ).
Cần tăng cường kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện MBT (đơn vị chuyên sản xuất các loại máy biến áp, tủ điện trung thế) Trần Văn Nam cho biết, hiện nay hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho tới máy móc thiết bị của MBT đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, bởi chất lượng các sản phẩm, máy móc trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.
Chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu chiếm hơn 50% tổng chi phí nên lợi nhuận chỉ đạt 5% doanh thu, thậm chí lúc giá cả tăng cao, ảnh hưởng dịch Covid-19 thì lợi nhuận chỉ đạt 2%. Với tình hình này, doanh nghiệp cũng không nâng được lương công nhân nên rất lo mất nhân công giỏi. Hiện thu nhập bình quân của công nhân chỉ tầm 10 triệu đồng/tháng.
“MBT đã cố gắng liên hệ với các nhà cung cấp trong nước nhưng chất lượng không đáp ứng. Mục tiêu lớn nhất hiện nay mà MBT theo đuổi là tăng trưởng doanh thu ít nhất 20% và cố gắng mua được nguyên liệu trong nước để tăng lợi nhuận. Những doanh nghiệp như MBT còn nhiều dư địa phát triển, nếu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể kết nối được với nhau để cung cấp nguyên liệu, nhân lực”, ông Trần Văn Nam cho biết.
Không chỉ MBT, theo ông Trần Văn Nam, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt là các hiệp hội trong vai trò quy tụ doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực, làm đầu mối kết nối nhu cầu giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện hợp tác tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở ra nhiều bạn hàng mới, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA riêng trong năm 2023. HANSIBA đang nỗ lực giúp các doanh nghiệp cùng phát triển bằng việc kết nối các doanh nghiệp có được bạn hàng trong nước và quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục phát triển hội viên, quy tụ các doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia hiệp hội để hiểu rõ năng lực cũng như nhu cầu của mỗi hội viên trong từng lĩnh vực để kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp về nguồn vốn, chính sách đất đai, vật tư thiết bị đầu vào, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từng bước đẩy mạnh hoạt động công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội cũng như cả nước.
Triển khai nhiều giải pháp, đề xuất các chính sách ưu đãi
Thời gian qua, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc cung cấp ốc vít, khuôn nhựa, linh kiện phụ tùng... cho các đối tác nước ngoài. Đáng nói, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, khi tham gia lĩnh vực này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, so với các nước lân cận, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, cùng hoàn cảnh trong khu vực.
Trong năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu có khoảng 950 doanh nghiệp (tăng khoảng 20 doanh nghiệp so với năm 2022) hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Để đạt mục tiêu này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, thành phố Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Đồng thời, tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp Hà Nội tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo.
Thành phố cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu…
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng, Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến vào dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Trong đó, có nội dung đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ngoài chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi Nghị định 111 đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Những thay đổi của chính sách này được nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Thanh Hiền - Hà Nội mới