Du khách quốc tế quay trở lại Hội An sau thời gian dài vắng bóng do dịch.
Bình thường mới của những người ưa xê dịch
Làm nghề bán hàng online cộng với chăm lo gia đình, bận rộn đủ bề, nên chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM nhiều năm nay chưa nghĩ đến chuyện hưởng thụ cho riêng mình hay đi du lịch cá nhân bao giờ. Thế mà mới đây, vào đầu tháng 12, chị Hằng đã cùng bạn bè đăng kí mua một tour du lịch từ TP HCM đến Điện Biên Phủ.
Lý do là sau đợt giãn cách, ở nhà quá nhiều, chị Hằng chợt nhận ra có nhiều thứ mơ ước mà chưa thực hiện được. Thế nên, chị tự nhủ với lòng, khi nào được đi lại tự do, chị nhất định sẽ làm một chuyến du lịch mà không có gia đình. Và Điện Biên Phủ là điểm đến mà chị lựa chọn.
Chị Hằng chia sẻ, lý do cho lựa chọn này là bởi thời điểm này thành phố đẩy mạnh quảng bá tour TP HCM - Điện Biên Phủ với mức giá rất tốt, chương trình hấp dẫn. Điện Biên Phủ cũng là một địa danh mà chị được nghe nhiều trong những bài học lịch sử, là niềm tự hào trong trang sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc. Và quả thật, chị Hằng đã có những trải nghiệm hết sức thú vị khi đi tham quan đồi A1, cánh đồng Mường Thanh, hồ Pá Khoang, thưởng thức những đặc sản tuyệt vời của người Thái Điện Biên.
Với nhiều người ưa xê dịch, bình thường mới đến khi các nơi mở cửa, việc đi lại tự do và họ có thể tiếp tục chinh phục những vùng đất mới. Có mặt ở Đà Lạt dịp cuối tuần 18-19/12 vừa qua, nhóm bạn Nguyễn Thế Bảo, nhân viên một công ty truyền thông tại TP HCM đã thuê một homestay ở, sau đó thưởng thức không khí lạnh mùa đông Đà Lạt bằng những ly sữa đậu nành nóng, đến những quán cafe “check in” nổi tiếng, chụp hình trong rừng thông Đà Lạt...
Bảo chia sẻ, chuyến đi này đã được lên kế hoạch từ trước khi dich bùng phát. Thời điểm giãn cách qua, cả nhóm bắt đầu lên kế hoạch đi chơi trở lại và mới thống nhất được thời gian gần đây. “Rất may mắn là nhóm mình 7 người mà qua thời điểm dịch vẫn đủ cả. Chỉ có hai bạn từng nhiễm COVID-19 nhưng đã khỏi và khỏe mạnh bình thường. Trước khi đi du lịch tụi mình cũng sợ ở Đà Lạt sẽ vắng người, ít dịch vụ hay kì thị du khách, nhưng lên đến nơi mới thấy tuy không đông như trước nhưng vẫn khá nhộn nhịp, nhịp sống gần như bình thường. Chỉ có luôn phải đeo khẩu trang, rồi khai báo y tế đầy đủ và thực hiện 5K là được”, Bảo cho biết.
Thời gian qua, nhiều người vượt qua nỗi e sợ dịch bệnh đã bắt đầu lại những chuyến hành trình thăm thú, ngắm cảnh trong nước. Ngoài Đà Lạt, một số điểm đến nổi tiếng như: Phú Quốc, Hội An, Nha Trang... cũng đã chứng kiến cảnh du khách trong và ngoài nước tấp nập. Người dân nhiều địa phương du lịch đã bắt đầu lại nhịp sống, hồ hởi đón khách.
Bà Nguyễn Kiều Tiên, chủ nhà nghỉ Sweet Home tại Sài Gòn, kinh doanh trên ứng dụng AirBnB (mô hình kinh doanh kết nối người cần thuê nhà, đặt phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê) cho biết, từ tháng 11, bà đã bắt đầu đón khách trở lại. Căn nhà bà đang khai thác dịch vụ cho thuê có 8 phòng, công suất thời điểm bình thường trước kia là 80% mỗi tháng, nay chỉ còn tầm 40%.
Tuy nhiên, theo bà Tiên, đây là một dấu hiệu đáng mừng vì thị trường đang khởi sắc trở lại. “Trước kia, khách của tôi 30% là du khách nước ngoài, nay thì hầu hết là khách trong nước. Ba tháng qua, có thời điểm tôi tưởng như không trụ nổi, sẽ phải trả nhà, bỏ khoản tiền đầu tư cho phòng ốc, nhưng nay thấy tình hình thì có hy vọng sẽ khả quan, tôi sẽ tiếp tục duy trì để chờ ngày nhịp kinh doanh trở lại như trước”, bà Tiên chia sẻ.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, tính đến cuối tháng 11, ước tính khách du lịch nội địa đạt 2,5 triệu lượt. Tháng 11/2021, có 978 khách du lịch quốc tế đã đến Việt Nam theo hình thức “hộ chiếu vaccine”. Nhiều địa phương nổi tiếng về du lịch cũng đã sẵn sàng cho việc đón du khách quốc tế. Dự kiến đến hết năm 2021, Khánh Hòa sẽ đón khoảng 9.400 lượt khách quốc tế, Đà Nẵng dự kiến đón 11.500 lượt, Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ đón 3.500 lượt.
Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng đối với ngành du lịch Việt Nam trong nỗ lực phục hồi, dần khôi phục các hoạt động du lịch cả quốc tế và nội địa. Và đây cũng là một tín hiệu đáng mừng khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường từ những chuyến du ngoạn gần xa của người dân trong và ngoài nước.
Bình thường từ những điều giản dị
Bình thường mới, với ông Nguyễn Văn Diên (79 tuổi, quê Bình Định, sinh sống tại TP HCM) là được bắt đầu đi chụp ảnh dạo trở lại. Trước đó, ông Diên gắn bó với nghề chụp ảnh dạo tại Sài Gòn gần 30 năm, được coi là người chụp ảnh dạo lớn tuổi nhất Sài Gòn.
Ông Nguyễn Văn Diên đã quay trở lại chụp ảnh dạo ở trung tâm thành phố.
Dù đã 79 tuổi nhưng mỗi ngày, ông Diên vẫn đeo máy ảnh, trên chiếc xe Dream cũ đến khu vực Bưu điện TP, Nhà thờ Đức Bà để chụp hình dạo cho khách du lịch. Đầu tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Sài Gòn bắt đầu giãn cách, ông Diên đau ốm bệnh tật, lại không có tiền trang trải thuốc men, sinh hoạt phí nên phải rao bán chiếc xe Dream cũ để cầm cự qua ngày. Biết được tin này, nhiều người hảo tâm đến để ủng hộ, giúp ông qua cơn bĩ cực.
Đến những ngày cuối tháng 11, ông Diên đã khỏe mạnh và hồ hởi quay trở lại với nghề. Từ căn phòng trọ cũ, ông Diên vượt 10km để đến Bưu điện TP, bắt đầu một ngày làm việc.
Mỗi bức ảnh chụp và rửa liền với giá 25.000 đồng, ngày nào may mắn chụp được 5 - 6 tấm, ông cũng đủ tiền mua cơm ăn qua ngày sau khi trừ chi phí giấy, mực in.
Một đôi trai gái đang chụp ảnh cho nhau tại Bưu điện, thấy ông đến mời liền đồng ý chụp 4 bức ảnh giá 100 ngàn đồng, chủ yếu để “ủng hộ” ông. “Chỉ cần 2 người khách như vậy mỗi ngày là ấm no”, ông Diên chia sẻ. Ngày bình thường mới đã trở về với người chụp ảnh dạo lớn tuổi nhất Sài Gòn như thế. Và nếu trời thương, những ngày bình thường ấy sẽ tiếp tục lâu bền, để ông có thể dùng chiếc máy ảnh cũ, trên con xe máy cũ mưu sinh, “giữ lửa” nghề.
Với nhiều người kinh doanh, buôn bán, ngày bình thường nghĩa là được trở về với công việc thường nhật. Được kinh doanh trở lại, được trực tiếp gặp gỡ khách hàng, hết cái thời đóng cửa im ỉm hay chỉ được bán online.
Cuối tuần vừa qua, sự kiện một cửa hàng bánh mì nổi tiếng ở Sài Gòn, do mâu thuẫn kinh doanh nên tách làm hai cửa hàng và cửa hàng mới khai trương thu hút hàng dài người xếp hàng để ăn bánh mì làm nhiều người ngạc nhiên. Dẫu sự việc đó có vẻ “phong trào”, nhưng đó cũng là dấu hiệu sự trở lại của cuộc sống bình thường trước kia. Khi mà người trẻ có thể xếp hàng nửa ngày trời chỉ để mua một ly trà sữa yêu thích hay một bịch... bánh tráng trộn.
Tại nhiều trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố, không khí Noel đã tràn ngập, lượng người đi dạo, mua sắm đông đúc trở lại. Chị Kim Nguyên, bán hàng tại một cửa hàng mỹ phẩm trong trung tâm thương mại Vincom, quận 1 chia sẻ: “Lâu lắm rồi mới thấy không khí vui vẻ, rộn ràng trở lại. Một tuần nay doanh thu bán hàng của cửa hàng chúng tôi cũng khởi sắc hẳn. Mong rằng sẽ ổn định được tình hình dịch bệnh, để cuộc sống trở về vui như lúc trước”.
Tại các quán cà phê, quán ăn ở nhiều quận trong thành phố, người ta bắt đầu chứng kiến cảnh những người trẻ lui tới, thưởng thức. Các suất chiếu phim “bom tấn” tại rạp cũng đã kéo được lượng người xem đông đảo.
Từ những chuyến du hành đó đây, từ những quán cà phê đông vui trở lại, từ nụ cười và sự bận rộn trên gương mặt những chủ hàng quán, cho đến lời mời chào của ông chụp ảnh dạo trước bưu điện thành phố, cho thấy nhịp sống Sài Gòn đã ngày một bình thường hơn. Cái bình thường đáng quý đã phải đánh đổi bằng bao mất mát, nhọc nhằn và hy sinh càng đáng trân quý biết bao.
N.M - Pháp luật Plus