Kinh doanh bết bát, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam bị nghi ngờ khả năng hoạt động
Kinhte&Xahoi
Công ty Cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam có khoản nợ phải trả quá hạn, lỗ lũy kế 346,3 tỷ đồng và đang bị cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn do tồn đọng thuế có thể ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục.
Công ty Cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MECO, mã CK: MCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 sau soát xét với tình hình kinh doanh kém khả quan.
Công ty Cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần 91,3 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty ghi nhận lỗ gộp 6,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 9,3 tỷ đồng.
Trong kỳ, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam đã tiết giảm mạnh các khoản chi phí, tuy nhiên công ty vẫn không bù lại được khoản lỗ thuận từ hoạt động kinh doanh 13,6 tỷ đồng.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam ghi nhận lỗ sau thuế 15,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 210 triệu đồng. Như vậy, tính đến cuối tháng 6/2021, công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế tới 346,3 tỷ đồng.
Giải trình về khoản lỗ 6 tháng đầu năm, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam cho biết là do trong kỳ thực hiện dự phòng giảm giá hàng tồn kho lâu ngày chậm luân chuyển và dự phòng tổn thất đầu tư vào công ty liên kết là Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện An Pha, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, lý do phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư là Thủy điện Nậm Hóa không có nước do thời tiết khô hạn nên doanh thu phát hiện không đủ bù đắp chi phí khấu hao và lãi vay ngân hàng.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Cơ điện và Xây dựng Việt Nam ở mức 978,3 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm tới 512,6 tỷ đồng và hàng tồn kho 130,1 tỷ đồng.
Cũng tại thời điểm ngày 30/6/2021, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam ghi nhận khoản nợ phải trả ở mức 753,8 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần so với mức vốn chủ sở hữu của công ty.
Tại báo cáo tài chính, công ty kiểm toán đã nhấn mạnh việc Cơ điện và Xây dựng Việt Nam có khoản nợ phải trả quá hạn 135,2 tỷ đồng, lỗ lũy kế 346,3 tỷ đồng và đang bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế hóa đơn do nợ thuế xấp xỉ 22,5 tỷ đồng, những vấn đề trên có thể ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Về việc này, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam cho biết, ông Nguyễn Ngọc Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là cổ đông lớn cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính bằng cách cho vay tài chính để công ty tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó, về khoản nợ phải trả quá hạn, đây là khoản nợ liên quan đến các công trình chưa quyết toán với các chủ đầu tư và một số khoản phải trả thương mại khác. Kế hoạch 6 tháng cuối năm, công ty dự kiến hoàn thành quyết toán các công trình để xác định số nợ phải trả chính xác với các đối tác và thực hiện chi trả hoặc bù trù qua chủ đầu tư tùy tình hình thực tế.
Còn về khoản lỗ lũy kế đến 30/6/2021, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam cho biết nguyên nhân chủ yếu do công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho lâu ngày chậm luân chuyển.
Nêu phương án khắc phục lỗ lũy kế, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam cho biết sẽ thoái vốn tại một số công ty con, liên kết và đầu tư khác để bổ sung vốn lưu động cho các công trình, dự án trọng điểm; tập trung tìm kiếm việc làm mới để tăng doanh thu, đảm bảo có lợi nhuận để bù đắp lỗ...
Về vấn đề thuế, trong 8 tháng đầu năm 2021, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam đã nộp ngân sách 14 tỷ đồng. Trong 4 tháng cuối năm, ban lãnh đạo công ty đã đưa ra một số biện pháp nhằm giải quyết nợ thuế như đẩy mạnh nghiệm thu, thanh toán các công trình đang thực hiện; tổ chức quyết toán, bù giá các công trình đã thi công xong; tập trung thu hồi công nợ; thanh lý các tài sản không cần sử dụng đến hoặc sử dụng không hiệu quả; thoái vốn tại công ty con, liên kết...
Giữa tháng 8/2021, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Cơ điện và Xây dựng Việt Nam.
Theo đó, ngành thuế Hà Nội cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với Cơ điện và Xây dựng Việt Nam do công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế là 22,4 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu Cơ điện và Xây dựng Việt Nam bị cưỡng chế thuế. Trước đó, năm 2019, Cục Thuế Hà Nội cũng đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của ngân hàng với công ty này số tiền gần 35,2 tỷ đồng.
Trong đó, cơ quan chức năng cưỡng chế 14,5 tỷ đồng tỷ đồng từ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản; 11,35 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng; 1,28 tỷ đồng phạt vi phạm hành chính; 5,9 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; 1,16 tỷ đồng tiền chậm nộp các khoản điều tiết 100% ngân sách Trung ương... |
Hậu Lộc - TTTĐ