Lãi suất những tháng cuối năm 2023: Tiếp tục xu hướng giảm
Kinhte&Xahoi
Những ngày qua, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Theo thống kê, lãi suất huy động cao nhất đã giảm xuống dưới 8%/năm và lãi suất cho vay một số lĩnh vực cũng biến động theo hướng hạ. Theo các chuyên gia, lãi suất ngân hàng có dư địa giảm tiếp trong những tháng cuối năm 2023.
Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank). Ảnh: Nguyễn Quang
Lãi suất huy động xuống dưới 8%/năm
Theo khảo sát mới nhất từ 39 ngân hàng thương mại, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện nay là 7,4%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất là 7,7%/năm. Tại một số ngân hàng, lãi suất huy động kỳ hạn dài thấp hơn các kỳ hạn ngắn…
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm. Lãi suất áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng xác định. Do đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đang được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 0,2-0,3%/năm. Với kỳ hạn 1-3 tháng, đa số các ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất tối đa 4,75%/năm.
Nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiền gửi 1 tháng là 3,3%/năm, thấp nhất thị trường; kỳ hạn 3 tháng là 4,1%/năm. Kỳ hạn 6-12 tháng lãi suất dao động trong khoảng 5-6,3%/năm. Đối với nhóm ngân hàng còn lại, Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (CBBank) áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất (kỳ hạn 6 tháng là 7,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,7%/năm với khách hàng gửi tiền trực tuyến). Các ngân hàng khác niêm yết lãi suất quanh mức 7,1-7,5%/năm.
Triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp
Việc giảm lãi suất huy động đã tạo dư địa để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, đồng thời triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. Ước tính, lãi suất cho vay đã giảm 0,5-2% so với đầu năm. Song, theo đánh giá của các doanh nghiệp, lãi suất cho vay chưa thực sự giảm như kỳ vọng, nhiều khoản vay vẫn có lãi suất hơn 10%/năm. Với các khoản vay cũ, mức giảm không đáng kể, vẫn duy trì lãi suất 12-14% do các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao từ đầu năm. Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank), lãi suất cho vay cũ được đưa về dưới 11%/năm. Với những gói vay mới, lãi suất cho vay áp dụng dưới 10%/năm.
Bên cạnh đó, nhiều gói tín dụng ưu đãi đã được ngân hàng triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn như Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (BVBank) có gói 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ vay với lãi suất giảm đến 2%/năm so với mặt bằng chung. Ngoài ra, ngân hàng này cũng triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất ưu đãi từ 8,8%/năm, giảm khoảng 2%/năm cho khách hàng cá nhân.
Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu giảm thêm lãi suất cho vay (gồm khoản vay hiện hữu và khoản vay mới), phấn đấu mức giảm tối thiểu 1,5-2%. Các tổ chức tín dụng phải gửi cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 25-8 và báo cáo kết quả giảm lãi vay trước ngày 8-1-2024.
Còn tại Thông báo số 332/TB-VPCP về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023, Thường trực Chính phủ lưu ý, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số; phấn đấu tiếp tục hạ lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, kịp thời hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Riêng với lãi suất mua nhà tại các ngân hàng hiện dao động trong khoảng 4,99-11,8%/năm. Trong đó, lãi suất vay mua nhà thấp nhất hiện nay đang thuộc về Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) ở mức 4,99%/năm. Nhóm ngân hàng BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank triển khai lãi suất cho vay mua nhà dưới 10%/năm. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng có các gói cho vay mua bất động sản với mức lãi suất dưới 10%/năm, thậm chí là 8%/năm, nhưng chỉ áp dụng trong khoảng thời gian 3-12 tháng, sau đó, lãi suất thả nổi tùy vào thị trường, nên lãi suất thực tế sẽ vào khoảng 10,9-13,5%/năm
|
Hà Linh - Hà Nội mới