Lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh) được đấu giá ngày 10-12-2021 với giá cao bất thường.
Hệ lụy từ đấu giá ảo
Việc 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh) được đấu giá ngày 10-12-2021 với giá cao bất thường, gấp 6,6-8,3 lần giá khởi điểm, nhưng sau đó doanh nghiệp lại bỏ cọc, đến nay vẫn còn “nóng” trong dư luận, cũng như gây ra nhiều hệ lụy.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, không chỉ kết quả đấu giá đất chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng, gây thất thu cho ngân sách, việc đấu giá đất với mức bỏ giá rất cao sẽ tạo ra mặt bằng giá ảo cho thị trường bất động sản khu vực, gây bất ổn và thiệt hại cho các nhà đầu tư chân chính, cũng như người dân có nhu cầu mua nhà, đất. Nhà nước khi thu hồi đất sau này sẽ gặp nhiều rào cản, khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp khó khăn...
Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, mức đấu giá đất lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 là quá cao (giá ảo) so với giá đất thực tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thậm chí, mức giá này cao gấp đôi nơi có giá đất cao nhất tại thành phố Hồ Chí Minh là 3 tuyến đường: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi (quận 1). “Ngay sau các cuộc đấu giá đất, hành vi lợi dụng giá ảo để “té nước theo mưa” đẩy giá nhà, đất tại nhiều địa phương đã xuất hiện”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nói.
Dẫn chứng cụ thể, ông Lê Hoàng Châu cho biết, có dự án nhà phố 5 tầng, diện tích đất khoảng 95m2, tại thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) được chào bán với giá 38,1 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi mét vuông đất đã có giá khoảng 350 triệu đồng...
Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng bỏ giá rất cao khi đấu giá đất, rồi bỏ cọc, nhằm tạo mặt bằng giá ảo, thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã tác động đến thị trường bất động sản khu vực, làm mặt bằng giá nhà, đất đồng loạt tăng... Hệ lụy là doanh nghiệp tăng chi phí đầu vào, không thể có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả, làm suy giảm, hạn chế nguồn cung của thị trường bất động sản trong tương lai.
Nguồn cung nhà ở sẽ ảnh hưởng khi mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao. Ảnh: Trọng Hiếu
Kiểm soát chặt hoạt động đấu giá
Để việc quản lý đất đai, thị trường bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu kiến nghị, cần sớm rà soát tổng thể, sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, trong đó quy định cụ thể điều kiện năng lực tài chính, năng lực thực hiện dự án của nhà đầu tư; bổ sung chế tài xử phạt nghiêm trường hợp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc”. Trường hợp tái phạm, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Bộ Tư pháp) Trần Minh Sơn cho rằng, cơ quan chức năng cần khẩn trương, nghiêm túc rà soát những vụ việc đấu giá đất bất thường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Còn nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ nêu ý kiến, trong thời gian tới, công khai dữ liệu đất đai là ưu tiên hàng đầu. Từng thửa đất phải được định danh với đủ tình trạng pháp lý, giá đất trúng đấu giá, giá đất khu vực, lịch sử giao dịch.
Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải pháp bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Cùng với đó là thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản. Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; đồng thời, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách điều tiết để thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh.
Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ Xây dựng cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để bảo đảm an toàn tín dụng. Đặc biệt, các địa phương làm tốt khâu xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm sát giá thị trường; quản lý chặt chẽ hồ sơ đấu giá; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản...
Dạ Khánh - Hà Nội mới