Theo chia sẻ từ bệnh nhân, cô biết đến dịch vụ cắt môi trái tim tại spa này thông qua một quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Thấy hình ảnh quảng cáo rất đẹp, người chủ spa còn đăng những bức hình có mặt tại một bệnh viện để “chứng minh” sự uy tín, cô gái trẻ đã tin tưởng và liên hệ với spa.
Chi phí dịch vụ cắt môi trái tim là 14 triệu đồng, nhưng spa cho biết đang có chương trình ưu đãi cho khách hàng, giảm 50% chỉ còn 7 triệu đồng.
Khi đã đặt tiền và đến spa làm phẫu thuật, cô gái này rất ngạc nhiên khi biết spa được đặt tại một căn hộ chung cư, mọi dịch vụ đều thực hiện tại đó. Và khi phẫu thuật xong, thấy vùng môi bắt đầu sưng nề, viêm nhiễm đau đớn, bệnh nhân tìm hiểu lại và “tá hỏa” khi biết chủ spa mới chỉ học xong THPT, không có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ.
Môi cô gái sưng nề, viêm nhiễm.
Các bác sĩ đánh giá, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân có thể đến từ môi trường spa vệ sinh không đảm bảo và chuyên môn của người thực hiện phẫu thuật.
BS Hoàng Hồng - Phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, những người không học ngành Y mà cũng cầm dao kéo can thiệp như vậy rất nguy hiểm, vì họ không biết cách làm thế nào để đảm bảo dụng cụ vô khuẩn, hay áp dụng kỹ thuật thế nào để tránh nhiễm trùng.
Với trường hợp trên, các BS đã tiến hành làm sạch mủ ở vết thương, dùng kháng sinh mạnh phổ rộng phối hợp để điều trị nhiễm trùng, tránh lan ra vùng mặt. Bên cạnh đó, lấy dịch mủ cấy phân lập vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Mép vết thương môi dưới hiện toạc rộng, lõm sâu, không thể tự liền lại được.
Sau khi điều trị nhiễm trùng viết thương ổn định, khoảng 10 ngày, BS sẽ làm bước tiếp theo là khâu lại mép vết thương. Toàn bộ vùng môi trên của bệnh nhân đang nhiễm trùng, sưng to, căng nề, cần điều trị và theo dõi thêm. Tuy nhiên, theo BS Hồng, nguy cơ đôi môi cô gái bị biến dạng là không thể tránh khỏi và giờ đây việc làm đẹp của bệnh nhân trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
“Trường hợp này nhiễm trùng rất nặng. Các BS nghĩ nhiều đến tụ cầu đa kháng, tuy nhiên cần chờ kết quả xét nghiệm chính xác. Vấn đề thẩm mỹ không còn đặt lên hàng đầu, mà trước mắt phải giải quyết vấn đề nhiễm trùng cho bệnh nhân” – BS Hồng cho hay.
BS khám cho cô gái. Ảnh: Trần Hằng
BS Hoàng Hồng thông tin, thời gian gần đây, khoa iên tục tiếp nhận các trường hợp biến chứng do thực hiện tiểu phẫu, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở làm đẹp, spa. Có những ngày, khoa tiếp nhận tới vài ca cắt mí hỏng, hoặc các ca tai biến sau tiêm filler, hoại tử da sau khi hút mỡ bụng,... Điểm chung của các trường hợp này là đều thực hiện tại các spa, người thực hiện không phải các BS chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thậm chí không học ngành y, mới chỉ học hết cấp 3.
BS Hoàng Hồng khuyến cáo, chị em phụ nữ khi đi làm đẹp phải tìm hiểu rất kỹ, không nên tin vào những clip quảng cáo tràn lan trên mạng hay chỉ dựa vào lời mách, kinh nghiệm của người khác. Trường hợp muốn thực hiện những tiểu phẫu, phẫu thuật, can thiệp thẩm mỹ, chị em cần tìm đến các địa chỉ uy tín, được cấp phép, là các bệnh viện/phòng khám y khoa. Theo quy định, spa không được làm các biện pháp can thiệp chảy máu.
Ngoài ra, người thực hiện các can thiệp này phải là các BS chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thay vì những người chỉ học spa mấy tháng hay học trung cấp, cao đẳng điều dưỡng, hoặc BS “tay ngang” không đúng chuyên ngành.
Hoa Tiên - Pháp luật Plus