130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người Argentina đầu tiên gặp Bác Hồ

14/05/2020 22:03

Kinhte&Xahoi Đầu năm 1924, giữa cái lạnh thấu xương ở nước Nga Xô viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó mang tên là Nguyễn Ái Quốc, đã tình cờ gặp gỡ và làm quen với một người bạn từ đất nước Argentina xa xôi, để rồi họ đã chia sẻ với nhau những lý tưởng, những trăn trở, niềm vui và nỗi buồn và cả gian truân trong suốt 3 tháng sau đó tại “cái nôi” của phong trào cách mạng vô sản thế giới.

Tác giả và ông Miguel Carlos Contreras trong cuộc gặp mặt tại tỉnh Cordoba, Argentina. .

Nhân dịp đi công tác tại tỉnh Cordoba ở miền trung Argentina, cách thủ đô Buenos Aires khoảng 700 km, tôi đã may mắn gặp được ông Miguel Carlos Contreras, con trai cụ Miguel Contreras, một lãnh tụ cộng sản thế hệ đầu tiên của Argentina và là người quen biết Bác Hồ từ thời trai trẻ.

Cho dù chỉ nghe lời kể của thế hệ hậu duệ, nhưng sau cuộc nói chuyện, tôi đã cảm nhận được phần nào những tình cảm sâu đậm cũng như sự kính phục mà cụ Miguel Contreras dành cho vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.

Ông Miguel Contreras sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Cordoba năm 1898. Từ khi còn là một cậu bé bán báo, ông Contreras đã cảm nhận được những nỗi cơ cực, bần cùng và ách áp bức mà những người nghèo khổ và dân lao động phải hứng chịu hồi đầu thế kỷ XX, vì vậy ông đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và tầng lớp những người nghèo khổ trong xã hội chống lại sự đàn áp của các chế độ độc tài, vì sự công bằng xã hội.

Năm 1917, người thanh niên Contreras đã từng tham gia thành lập Liên đoàn công nhân Cordoba, tổ chức công đoàn đầu tiên của thành phố Cordoba và của cả Argentina. Ông cùng nhiều đồng chí của mình sáng lập ra Đảng Cộng sản Argentina, tổ chức cộng sản ra đời sớm nhất tại Mỹ Latinh (6/1/1918). Năm 1929, ông Miguel Contreras được bầu làm Bí thư thứ nhất của Liên đoàn các Công đoàn Mỹ Latinh, một tổ chức được sáng lập tại Uruguay, với mục tiêu đoàn kết tất cả các phong trào công nhân của Mỹ Latinh.

Từng nhiều lần bị tù đày và bị tra tấn dã man, nhưng tất cả những khó khăn, trở ngại đó không thể ngăn cản được quyết tâm theo đuổi lý tưởng cách mạng, lý tưởng cộng sản vì sự công bằng xã hội của ông Miguel Contreras. Trong những lần bôn ba tới các nước để tìm hiểu về các phong trào cách mạng trên thế giới, ông Contreras đã có dịp làm quen với rất nhiều lãnh tụ cách mạng. Và cũng chính trong một dịp đến nước Nga, “cái nôi” của phong trào cộng sản thế giới, ông đã lần đầu tiên gặp Bác Hồ.

Đầu năm 1924, ông Contreras được cử sang Liên Xô cùng với một nhà lãnh đạo cộng sản Argentina và Mỹ Latinh tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ năm, đúng vào thời điểm lãnh tụ phong trào cộng sản quốc tế và nước Nga Xô viết V.I.Lenin vừa từ trần.

Sau khi đặt chân tới Moskva, cả đoàn đã ra Quảng trường Đỏ để viếng lãnh tụ Lenin và trong hơn 3 giờ chờ đợi dưới cái lạnh -30 độ C, ông Contreras đã có dịp làm quen với một thanh niên Á Đông trong dòng người đang xếp hàng vào viếng Lenin. Qua câu chuyện, ông được biết người thanh niên đó tên là Nguyễn Ái Quốc, đang trong thời gian nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về cuộc cách mạng Bolshevik, cũng như cuộc đấu tranh của nước Nga Xô viết để áp dụng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tại quê hương Việt Nam của mình. 

Sau đó, do đứng dưới trời tuyết quá lâu mà lại không có găng, hai bàn tay Nguyễn Ái Quốc gần như bị cóng lại. Ông Contreras ngay lập tức đã nhường lại đôi găng của mình cho người bạn mới quen và đi cùng về nơi mà Nguyễn Ái Quốc đang trọ. Contreras cũng rất bất ngờ vì đó chính là căn phòng ông được ban tổ chức bố trí trong thời gian ở Liên Xô.

Ba tháng ở cùng nhau sau đó là quãng thời gian mà hai người có dịp chia sẻ về những lý tưởng cách mạng, những trăn trở và khó khăn để làm sao thúc đẩy phong trào cách mạng nơi quê hương mình. Sau đó, ông Contreras còn có dịp gặp lại Bác Hồ hai lần nữa vào các năm 1938 và 1960 cũng tại Moskva, khi hai người tham dự các hội nghị của phong trào cộng sản quốc tế, mặc dù đó chỉ là những cuộc gặp chớp nhoáng do cả hai đều rất bận với các hoạt động chính thức.

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên tờ “La Voz del Interior” (Tiếng nói địa phương) vào đầu tháng 9/1969 sau khi được tin Bác Hồ qua đời, ông Contreras cho biết ông luôn tự hào là người Argentina đầu tiên và có lẽ là duy nhất được trực tiếp gặp gỡ và chia sẻ với vị lãnh tụ huyền thoại của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Ông cũng bày tỏ khâm phục về tinh thần cách mạng, sự uyên bác, cũng như khát vọng độc lập dân tộc của Hồ Chủ tịch, đồng thời khẳng định chính trong thời gian sống cùng Bác ở Moskva, ông đã học tập được rất nhiều đức tính quý báu của Người, giúp ông củng cố quyết tâm theo đuổi lý tưởng cách mạng cộng sản trong suốt những năm tháng đấu tranh sau này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Theo TTXVN/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-argentina-dau-tien-gap-bac-ho-d124459.html