15/16 ca nhiễm Covid đã khỏi, phác đồ điều trị corona của Việt Nam hiệu quả

20/02/2020 10:02

Kinhte&Xahoi Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, đến thời điểm hiện tại, trong 16 ca dương tính với Covid chỉ còn một bệnh nhân ở Bình Xuyên còn dương tính. 15 ca đã âm tính, chiều hôm nay (20/2), tổng 14 ca xuất viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) cho biết, đến nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh do virus corona gây ra. Phác đồ điều trị chủ yếu là triệu chứng, nhưng với tỉ lệ 15/16 ca đã âm tính (14 ca được xuất viện tính đến chiều nay) cho thấy, phác đồ điều trị của Việt Nam là hiệu quả.

Bệnh nhân Li Ding mang rất nhiều bệnh nền, xuất viện khoẻ mạnh sau thời gian điều trị Covid - 19 tại BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh.

Trong 15 ca đã âm tính, có hai trường hợp mắc Covid - 19 rất nặng, đó là ông bố người Trung Quốc và Việt kiều Mỹ ở TP Hồ Chí Minh. Cả hai đều mang nhiều bệnh nền, nhưng một trường đã ra viện, Việt kiều Mỹ các kết quả xét nghiệm từ ngày 12 đến ngày 16/2 của người bệnh đã âm tính với virus corona.

Cùng với sức khỏe tổng trạng phục hồi tốt, ông K.H. đã có thể tự đi lại, ăn uống, sinh hoạt như người bình thường, các chức năng của phổi đã ổn định, xét nghiệm máu cho kết quả khả quan, bệnh nhân đã đủ điều kiện để xuất viện. 

Đánh giá về trường hợp ông bố người Trung Quốc, ông Li Ding, ông không chỉ nhiễm Covid - 19 mà còn mắc nhiều bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường đặc biệt là tiền sử từng phẫu thuật u phổi điều trị ung thư.

Trong khoảnh khắc nhân giấy ra viện, ông Li Ding xúc động: “Khi đến bệnh viện Chợ Rẫy, tôi đã kiệt sức, không thể tự đi lại được. Tôi đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất có thể xảy ra ở nơi cách rất xa quê nhà. Tôi hoang mang tột độ khi được bác sĩ thông báo nhiễm virus corona, căn bệnh đang bùng phát dữ dội tại thành phố tôi sinh sống. Khi biết con trai đã bị chính mình gây nhiễm cho căn bệnh nguy hiểm, tôi gần như suy sụp… mọi thứ như sụp đổ trước mặt tôi”.

“Hy vọng đã lóe lên khi vợ tôi may mắn không nhiễm bệnh và may mắn tiếp tục đến với chúng tôi khi được những y bác sĩ rất nhân từ, đức độ và giỏi chuyên môn của bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam chăm sóc. Mỗi ngày trôi qua, sức khỏe của tôi cùng con trai khá dần lên nhờ được y bác sĩ, nhân viên y tế không sợ hãi, không xa lánh mà chăm cho chúng tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, động viên gia đình tôi bằng chính tình người”, ông Li Ding bộc bạch.

“Nhờ tinh thần nhân đạo cao quý ấy, hôm nay tôi đã khỏi bệnh, khỏe mạnh hoàn toàn. Tôi cảm thấy chưa bao giờ sức khỏe và sự lạc quan của mình tốt như lúc này. Biết thông tin dịch bệnh ở quê nhà vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhiều người đã chết, tôi thấy mình quá may mắn khi phát hiện bệnh, điều trị tại Việt Nam nên mới có ngày xuất viện hôm nay. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết Bộ Y tế đã theo sát các ca bệnh để kịp cập nhật, điều chỉnh phác đồ điều trị.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khẳng định: "Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19".

PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết để ứng phó với dịch bệnh, hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành, ban hành phác đồ điều trị.

Trong suốt quá trình điều trị bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Vĩnh Phúc... Bộ Y tế luôn đề nghị các bác sĩ cập nhật phác đồ điều trị để có thể điều chỉnh, đưa ra một phác đồ tốt nhất.

"Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói đối phó với dịch Covid-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới" - PGS Khuê nhận định.

 Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận ca bệnh mới dương tính với virus corona. Ngoài những bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện, các bệnh nhân khác đều ổn định, chuẩn bị xuất viện.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả.

Như tại Vĩnh Phúc, nơi ghi nhận đến 11 ca dương tính với Covid, việc phân tuyến điều trị được thực hiện triệt để. Bệnh nhân được điều trị, cách ly tại Trung tâm y tế huyện. Các bác sĩ tuyến trung ương và Đội cơ động chống dịch sẽ về hỗ trợ chuyên môn, điều trị các ca bệnh này ngay tại cơ sở.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê đi kiểm tra công tác điều trị Covid - 19 tại Vĩnh Phúc. Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh chỉ đạo phải thực hiện cách ly, điều trị bệnh nhân ngay từ cơ sở.

"Chỉ những ca nặng mới chuyển về tuyến trung ương với xe chuyên dụng để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm", PGS Khuê khẳng định.

"Với 4 ca ở Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên được ra viện, ca còn lại sức khoẻ tốt cho thấy ngay tại tuyến huyện, điều trị theo phác đồ cũng đã đẩy lùi Coivid - 19", ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng cho biết theo thông tin từ phía Trung Quốc, đã có hàng ngàn cán bộ y tế nhiễm bệnh và có ca tử vong. Đến giờ phút này chưa có thầy thuốc nào tại Việt Nam bị nhiễm Covid-19. "Đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt. Đối với đại dịch này, đặc biệt trong khu vực bệnh viện, phải đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối cách ly nguồn bệnh.

Do vậy, khi tiếp nhận người bệnh (có thể là người bệnh nghi ngờ, có thể dương tính nhẹ, hay nặng) ở tất cả khu vực này, khi người bệnh bắt đầu bước chân vào, bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế" - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/15-16-ca-nhiem-covid-da-khoi-phac-do-dieu-tri-corona-cua-viet-nam-hieu-qua-d117752.html