7 dự án trọng điểm giao thông: 100% chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần

31/10/2019 14:51

Kinhte&Xahoi Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) lên Quốc hội, hiện nay còn 7 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ gồm 2 dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận và 5 dự án đường sắt đô thị. Phần lớn các dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ đã dẫn đến vốn đầu tư bị “đội” lên gấp nhiều lần, kéo theo giảm hiệu quả đầu tư.

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm trễ trong việc bàn giao là do công tác đánh giá an toàn gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: SƠN TÙNG

Tiến độ “rùa bò”

Cụ thể, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến thông xe vào năm 2020 nhưng đến nay tổng sản lượng đạt 17,5% (chậm 27% so với tiến độ thi công đề ra). Cao tốc Bến Lức-Long Thành sản lượng đạt khoảng gần 76%, hiện chậm 12,6%. Dự án đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên sản lượng đạt 66,7%, tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương đã hoàn thành xây xong khu tổ hợp nhà ga, văn phòng, các gói thầu đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Bộ Tài chính thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh. Tuyến đường sắt số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi hiện Tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu cập nhật thiết kế kỹ thuật, dự toán hồ sơ mời thầu của gói thầu chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu khu tổ hợp Ngọc Hồi. Bộ Giao thông - Vận tải đang chờ báo cáo tổng thể dự án với Quốc hội để thực hiện các nội dung công việc tiếp theo.

Liên quan đến việc chậm trễ nghiệm thu, bàn giao và đưa vào khai thác dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo như dự kiến, Giám đốc dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (thuộc Tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) tiếp tục khẳng định, ngay từ tháng 4.2019 dự án đã hoàn thành 100% hạng mục, hiện tại chỉ chờ nghiệm thu, bàn giao và thanh toán.

Theo ông Đường Hồng - Giám đốc dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, một trong những lý do khiến dự án chậm trễ trong việc bàn giao chính là công tác đánh giá an toàn còn gặp nhiều vướng mắc. Ông Hồng cho rằng, đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam nên chưa có dự án nào khác để đối chiếu so sánh, cùng với đó là quy trình yêu cầu hồ sơ chưa rõ ràng. Tuy nhiên, hiện chưa xác định thời điểm bắt đầu vận hành thử. Tổng thầu đang tiếp tục đào tạo, hướng dẫn thực hành các bộ phận nhân sự chuyên ngành của dự án để tiến tới vận hành thử toàn hệ thống. Đại diện Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - đơn vị tiếp nhận khai thác dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng cho biết, nhân sự của đơn vị này cũng đang được chuyên gia đào tạo thực hành, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ khai thác theo chương trình của dự án. Đến nay, chưa có kế hoạch về vận hành thử toàn hệ thống.

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chính của việc chậm trễ là do chưa tập trung đủ hồ sơ để vận hành khai thác thương mại. Hiện Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục yêu cầu tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của Đơn vị tư vấn ACT (Pháp).

Dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày theo tiêu chuẩn thiết kế để phục vụ đánh giá, nghiệm thu dự án. Ảnh: TÔ THẾ

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, các dự án đường sắt đô thị được triển khai trong thời gian qua, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, tăng lớn so với phê duyệt ban đầu, kéo dài thời gian thực hiện dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư tập trung ở các dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, thực hiện qua nhiều năm và đã được phê duyệt... Đồng thời ông Thể cũng chỉ rõ nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư và chậm tiến độ các dự án đường sắt đô thị, do đa phần đều là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.

Do vậy, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn tham gia chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện dẫn đến chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư chưa xác thực, phải điều chỉnh nhiều lần, thay đổi về quy mô thiết kế xây dựng so với cơ sở được duyệt trước đây, thay đổi về các thông số kỹ thuật...

“Việc kéo dài công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá tăng đã làm tổng mức đầu tư các dự án phải điều chỉnh tăng và hình thành các yếu tố cần điều chỉnh lại thủ tục từ chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật” - ông Thể nhấn mạnh.

Đại diện Bộ GTVT cũng chỉ ra kế hoạch vốn ODA hằng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng; công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc; việc cập nhật tỉ giá ngoại tệ, tỉ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, ảnh hưởng chung đến việc tăng tổng mức đầu tư.

Việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư; việc chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư kéo dài, thiếu mặt bằng sạch giao cho nhà thầu thi công công tác quy hoạch tại một số địa phương chưa thực sự tốt, mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Hiện Bộ GTVT cũng chỉ đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư. Quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân vi phạm; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các nhà thầu...

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm trễ: Mỗi tháng “bốc hơi” 46 tỉ

Liên quan đến việc chậm trễ nghiệm thu, bàn giao và đưa vào khai thác dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Giám đốc dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (thuộc Tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) tiếp tục khẳng định, ngay từ tháng 4.2019 dự án đã hoàn thành 100% hạng mục. Hiện chỉ chờ nghiệm thu, bàn giao và thanh toán.

Tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại đã bàn giao đầy đủ hồ sơ cho đơn vị tư vấn ATC theo nội dung hợp đồng với chủ đầu tư. Đại diện tổng thầu cho rằng, nếu trường hợp ATC yêu cầu hồ sơ theo tiêu chuẩn Châu Âu thì chủ đầu tư phải là đơn vị giải quyết vì phía Tổng thầu không có hợp đồng với ATC.

Từ ngày 28.10, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bắt đầu chạy thử toàn tuyến trong vòng 25 ngày (5 ngày chuẩn bị và 20 ngày chạy thử tích hợp) trước khi đưa vào nghiệm thu.

“Tất cả chi phí phát sinh trong thời gian này, bao gồm vận hành hệ thống, trả lương cho cán bộ nhân viên, thuê nhà đất… hoàn toàn do nhà thầu bỏ ra. Tính từ đầu năm đến nay chúng tôi phải chi ra khoảng 46 tỉ/tháng” - đại diện tổng thầu cho hay. TÔ THẾ - SƠN TÙNG

Sẽ vận hành thử toàn hệ thống Cát Linh - Hà Đông 20 ngày

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, theo đề cương vận hành thử hệ thống tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Tổng thầu EPC (Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc) sẽ vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày theo tiêu chuẩn thiết kế để phục vụ đánh giá, nghiệm thu dự án.

Hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% hạng mục nhưng vì một số lý do vẫn chưa thể đưa vào vận hành thương mại. Vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 97% khối lượng thiết bị; đã vận hành, chạy thử 13/13 đoàn tàu.

* Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lý giải nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ các dự án đường sắt đô thị do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu; cơ chế giải ngân phức tạp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hạn chế; lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc; các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách; một số dự án lớn hơn 10.000 tỉ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư cần báo cáo Quốc hội thông qua do hình ảnh yếu tố quan trọng quốc gia... ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án đang và sắp triển khai. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Theo Báo Lao động/ Pháp luật Plus