Ai "chống lưng" cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm "lộng hành"?

31/03/2021 10:33

Kinhte&Xahoi Chống lệnh của Thủ tướng Chính phủ; xin phép một đằng, nhập khẩu một nẻo; tự ý đưa cá tầm đi tiêu thụ khi chưa được thông quan...

Doanh nghiệp tự tẩu tán cá tầm khi chưa được thông quan

Ngày 30/3, Tổng cục Hải quan đã phát đi thông tin về việc xử lý các lô hàng cá tầm nhập khẩu. Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết đã phát hiện nhiều lô hàng cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan.

Cụ thể, ngày 17/3/2021, Công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng đăng ký tờ khai hải quan số 103894536910 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng Chi cục Hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại và xác định “hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp”.

Lực lượng Hải quan liên tục phát hiện các lô cá tầm nhập sai chủng loại, sai số lượng 

Ngày 23/3/2021, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã có công văn số 497/GSQL-GQ1 đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn căn cứ kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra kho lưu giữ bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp ngày 23/3/2021 thì toàn bộ lô hàng đã được doanh nghiệp tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan hải quan xác nhận thông quan. Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã mời doanh nghiệp để yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định.

Ngày 19/3/2021, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai hải quan số 103903113310 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phối hợp với Chi cục Hải quan lấy mẫu giám định ngay tại cửa khẩu và kết quả hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp cũng không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép Cites do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp. Ngày 23/3/2021, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã có công văn số 496/GSQL-GQ1 đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lào Cai căn cứ kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xử lý theo đúng quy định.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, hiện nay còn có 02 lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Lạng Sơn cũng đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu gửi lấy mẫu để thực hiện giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, nhưng đến nay chưa có kết quả.

Vấn đề đặt ra là: đây có phải là những vi phạm mới của các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm không? Tại sao chuyện sai phạm trong nhập khẩu cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam đã được CITES Việt Nam cảnh báo từ lâu, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phải có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc từ đầu tháng 1/2021 mà tình trạng này vẫn diễn ra?

Mâu thuẫn quan điểm xử lý, doanh nghiệp nhởn nhơ vi phạm?

Như Báo PLVN đã thông tin, từ cuối năm 2020, Hội Cá nước lạnh các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai…đã đồng loạt gửi đơn đến Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan đề nghị tăng cường kiểm soát cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc do nhận thấy có nhiều bất thường trong việc cấp phép, nhập khẩu sản phẩm này vào Việt Nam.

Sau khi Báo PLVN đăng tải, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam đã lên tiếng khẳng định, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chúng mới của Vi rút Corona gây ra, CITES Việt Nam đã dừng cấp phép nhập khẩu cá tầm kể từ ngày 28/01/2020.

Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cũng phát hiện ra có 7 doanh nghiệp vi phạm lệnh cấm của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg sau khi các doanh nghiệp đến nộp hồ sơ xin cấp giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm trở lại ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách về quản lý động vật hoang dã.

Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đã có 7 văn bản từ số 166-172/CTVN-THGP ngày 13/8/2020 gửi các doanh nghiệp vi phạm, theo đó từ chối cấp giấy phép CITES nhập khẩu cho các doanh nghiệp nêu trên do vi phạm khoản 2 Điều 36 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.

Vấn đề trở nên phức tạp khi lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đồng quan điểm với lãnh đạo Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam về việc dừng cấp phép đối với các doanh nghiệp vi phạm Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ.

Sự không thống nhất trong cách xử lý doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm Chỉ thị 05 của Thủ tướng phủ trong nội bộ các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra sao, chúng tôi sẽ đề cập tiếp trong các bài viết sau.

Tuy nhiên, kết quả là các doanh nghiệp dù vi phạm Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, dù đã bị CITES Việt Nam có văn bản từ chối cấp phép, lại vẫn được cấp phép nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam như bình thường.

Điển hình như tháng 12/2020, Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) bắt giữ lô cá tầm Trung Quốc do Công ty TNHH Đầu tư và XNK An Hưng (Hà Nội) nhập về Việt Nam dưới hình thức nhập chính ngạch nhưng được phù phép tăng số lượng không khác gì buôn lậu. Mặc dù trước đó, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đã có văn bản số 166/CTVN-THGP ngày 13/8/2020 gửi Công ty An Hưng từ chối cấp giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm đối với bộ hồ sơ số 288 và 289 nộp ngày 27/7/2020 của công ty này.

Điều lạ là tiếp theo, Công ty Công ty TNHH Đầu tư và XNK An Hưng lại được cấp phép nhập khẩu cá tầm và đến ngày 17/3/2021, Công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng lại bị Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Lạng Sơn phát hiện nhập khẩu 12 tấn cá tầm sai phép từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Vì sao các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vẫn cố tình vi phạm mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ nhiều cơ quan chức năng? (Hình minh hoạ - PV)

Chỉ đạo rầm rộ nhưng có thực chất?

Cá tầm Xiberia (Acipencer baerii) là loài thuộc Phụ lục 2 Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Do vậy, theo quy định của quốc tế (CITES) thì cá tầm Xiberia là loài động vật hoang dã, dù là mẫu vật được đánh bắt từ tự nhiên hay mẫu vật có nguồn gốc gây nuôi sinh sản.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, cá tầm là một trong những nguồn có nguy cơ lây nhiễm Covid – 19 nên tại Chỉ thị 05, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam”. Sau đó, Chỉ thị 29 ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ Về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã cũng chỉ cho nhập khẩu động vật hoang dã nếu được đưa vào phục vụ sản xuất, chế biến.

Trước mối nguy từ cá tầm Trung Quốc cả nhập lậu, cả nhập chính ngạch, ngày 18/1/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ việc nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc. Trong đó, giao: Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Từ hôm có chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đến nay, các cơ quan chức năng từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)… liên tục có văn bản chỉ đạo, yêu cầu siết chặt cấp phép, kiểm soát nghiêm việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Vấn đề mà dư luận đặt ra là hiệu quả của những yêu cầu, chỉ đạo này thế nào? Tại sao CITES Việt Nam đã phát hiện ra các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm từ đầu năm 2020 mà đến nay các doanh nghiệp vẫn được phép nhập khẩu cá tầm vào Việt Nam?

Tại sao các cơ quan chức năng liên tục chỉ đạo từ cuối năm 2020 nhưng đến cuối tháng 3/2021 các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu cá tầm sai phạm, thậm chí tự ý đưa cá tầm đi tiêu thụ khi chưa được thông quan?

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) có cho phép các cơ quan chức năng của Việt Nam tự ý phạt cho tồn tại, tiêu hủy cá tầm sai phạm hay buộc phải trả về nơi sản xuất?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

 Hồng Thúy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/ai-chong-lung-cho-cac-doanh-nghiep-nhap-khau-ca-tam-long-hanh-d152213.html