Ấm lòng những nồi cháo nghĩa tình nơi tuyến đầu chống dịch

28/04/2020 16:17

Kinhte&Xahoi Gặp anh Đặng Đình Mạnh - Giám đốc hệ thống nhà hàng Mạnh cá lăng trong một ngày mưa, khi Hà Nội và cả nước đang chung sức chống dịch Covid-19, được nghe những câu chuyện về cậu bé mồ côi có biệt danh “Mạnh thọt” và chứng kiến những nồi cháo cá lăng đặc biệt được gửi đến các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, trong tôi, lại thêm những cảm xúc khó tả.

Dân xây dựng, máu nghệ sĩ và đam mê ẩm thực

 Các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đón nhận tình cảm của anh Đặng Đình Mạnh.

Cuộc đời của Mạnh là những chuỗi ngày dài đặc biệt. Chuyện 3 năm đi học lớp 1 cùng những người dân tộc ở Đắk Lắk khiến anh chẳng thể nào quên. Ra Bắc, chàng trai đi học ấn tượng với đôi chân thọt, người lù sù khoác chiếc chăn bông dù trời nắng vì bệnh sốt rét.

Là người từng trải qua tuổi thơ nhiều mất mát, khổ đau, nên trong anh luôn đau đáu, muốn mình phải thành công để giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

Sau khi tốt nghiệp 2 trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Thương mại, công tác trong ngành xây dựng một thời gian, năm 2014, anh nghĩ đến việc mở nhà hàng vì đam mê ẩm thực, thấy ẩm thực của Việt Nam đặc biệt phong phú. Không chỉ có  vậy, anh mong mở nhà hàng để tạo công ăn việc làm cho những người nghèo và có cơ hội tri ân những người đang được xã hội tôn vinh.

Sau bao nhọc nhằn tìm hiểu về cá lăng, món ăn tiến vua đã mai một dần, anh bắt tay vào nghiên cứu bằng nhiệt huyết của chính mình về nguồn gốc, xuất xứ cá lăng Việt Nam. Thế rồi anh quyết tâm mở nhà hàng thuần Việt với sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, nhà hàng cá lăng Việt Trì DHM đầu tiên ở Hà Nội, sau này đổi tên thành hệ thống nhà hàng Mạnh cá lăng.

Hệ thống nhà hàng của anh có 3 cửa hàng với 100 con người thật đặc biệt, như chính cuộc đời gập gềnh của anh. Anh đã nhận những nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt để đào tạo và tạo công ăn việc làm cho họ. Đó là những người mồ côi bố, mồ côi mẹ, hoặc có những người không biết bố mẹ mình, có trường hợp đi làm để có tiền chữa bệnh ung thư cho bố… Họ gặp nhau như duyên phận, đều yêu thích ẩm thực và nỗ lực vượt qua mọi hoàn cảnh, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống. Và, mong ước mở nhà hàng để tạo công ăn việc làm cho những người nghèo của anh đã thành hiện thực.

 Anh Mạnh cảm thấy hạnh phúc vì tình cảm của mình được các y bác sĩ ghi nhận.

Sau gần một năm mở nhà hàng, món ăn từ cá lăng của anh bất ngờ được Trung tâm Văn hóa ẩm thực dân tộc của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc biết, tìm đến và vinh danh anh tại chương trình “Món ngon tinh hoa - đặc sản 3 miền”.

Kể từ khi bén duyên với ẩm thực, anh nhiệt huyết đồng hành trong các chương trình thiện nguyện. Bạn bè anh đúc kết về con người anh bằng một nhận xét: “Dân xây dựng, máu nghệ sĩ và đam mê ẩm thực”.

Năm 2018, anh Mạnh bất ngờ nhận được lá thư do GS Hoàng Chương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc gửi mời anh làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa ẩm thực dân tộc. Từ đó, trên vai anh đảm nhiệm thêm chức vụ Giám đốc Trung tâm Văn hóa ẩm thực dân tộc của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.

Những bát cháo ấm lòng chiến sĩ áo trắng

Trong những ngày này, khi cả nước chung tay chống dịch Covid-19, anh Mạnh luôn đau đáu, muốn nhắn gửi gắm tình cảm, tâm huyết của mình tới các y bác sĩ nơi tiền tuyến bằng những cốc cháo cá đặc biệt, khơi dậy tinh thần dân tộc. Và, những bát cháo nghĩa tình ấy đã được gửi tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (cơ sở 1, cơ sở 2), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Hà Đông do chính tay anh nấu.

“Để có những bát cháo chất lượng hơn, đặc biệt hơn thường ngày, bồi bổ sức khỏe cho các y, bác sĩ, mình đã thức suốt đêm, đánh nồi cháo hơn 4 tiếng đồng hồ. Qua đó, mình muốn gửi gắm tình cảm, tâm huyết của mình, tới các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch… Cứ mỗi lần nghĩ đến các chiến sĩ áo trắng ấy, cảm xúc trong mình lại ùa về, mình thấy hạnh phúc vô cùng, vui vì được góp sức nhỏ bé của mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 này…”, anh Mạnh chia sẻ

 Để có những cốc cháo chất lượng hơn thường ngày, bồi bổ sức khỏe cho các y, bác sĩ, anh Mạnh đã thức suốt đêm, đánh nồi cháo hơn 4 tiếng đồng hồ.

Anh ấn tượng vì lần đầu tiên vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (cơ sở 2), với cảm giác hồi hộp lo lắng, nhưng trong lòng cảm thấy lâng lâng hạnh phúc vì tình cảm của các y bác sĩ dành cho anh. Anh xúc động vì Ban Giám đốc xuống tận nơi để đón nhận tình cảm của anh. Các bác sĩ đã nghẹn ngào khi nhận được những cốc cháo cá do tự tay anh nấu bằng cả tấm lòng, sự nhiệt huyết và đam mê. Có những y tá, điều dưỡng nói chuyện với anh rơm rớm nước mắt vì nhớ nhà. Tất cả dòng cảm xúc cứ nghẹn lại…

Về đến nhà, anh lặng người khi nhận được những dòng tin nhắn chất chứa tình cảm, sự chân thành của những thầy thuốc dành cho anh khi đón nhận bát cháo với bao nghĩa tình…

Những dòng tin nhắn cảm ơn cứ thế gửi về khiến anh cả đêm không ngủ được, xúc động vô cùng. Khi biết các y bác sĩ thật nhớ 1 bữa cơm gia đình, anh nghĩ, chẳng có lí do gì mình lại từ chối những mong muốn giản dị ấy! Anh lại bắt tay vào bếp  nấu cơm, kho cá, giã giò quê, nấu canh cua, muối cà…  Đưa cơm vào viện, chàng trai thấy cay cay nơi sống mũi khi nhận được những dòng tin nhắn cảm ơn bởi họ được ăn bữa cơm "ngon như ở nhà", thật và ấm cúng biết bao.

 Anh Mạnh cùng nhân viên nhà hàng chuẩn bị những cốc nước cam gửi đến các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

“Cho là nhận. Tặng một bát cháo, suất cơm nhỏ bé, nhận lại được tình cảm lớn lao, mình cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”- anh Mạnh chia sẻ.

“Y bác sĩ tiền tuyến

Chúng tôi ở hậu phương

Nấu bát cháo cá ấm

Gửi tiền tuyến yêu thương”…

Chia tay anh, mấy lời chân tình ấy vẫn vương vấn mãi trong tôi. Những sẻ chia của anh giản dị mà ấm lòng trong cuộc sống đời thường này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/am-long-nhung-noi-chao-nghia-tinh-noi-tuyen-dau-chong-dich-382480.html