Cuộc sống người dân Hà Nội đảo lộn vì "khủng hoảng nước". Ảnh Zing

Con người có thể nhịn ăn 1 tuần nhưng không thể nhịn uống một ngày. Không phải tự nhiên Liên Hợp quốc lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới. “Nước sạch, vệ sinh và môi trường là những yếu tố mang tính căn bản, thiết yếu, thể hiện sự tôn trọng phẩm giá và quyền con người”, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres từng nhận định.

Việt Nam là nước ở vùng mưa nhiều, lắm sông suối, mặt hồ, giàu nước ngầm... nên dường như người ta đối xử “tệ bạc” với nước sạch. Có thể thấy qua việc đô thị hóa nên lấp hết hồ đô thị (Hà Nội từ năm 1954 đến nay lấp xong 80%), ô nhiễm nước từ sông, suối đến nước ngầm.

Có sang các nước vùng Vịnh, nơi chủ yếu là sa mạc và chỉ mưa một tháng trong năm, mới thấy xót xa cho giọt nước Việt Nam. “Khủng hoảng nước sạch” ở Hà Nội tuần qua với hàng trăm ngàn hộ dân bị ảnh hưởng cho thấy người ta có thêm thứ “sợ hãi” nữa rình rập.

Nhận thức được tầm quan trọng của nước, năm 1998 Việt Nam đã có Luật Tài nguyên nước (TNN) số 08/1998/QH10; năm 2012 có Luật TNN số 17/2012/QH13. Gần đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục TNN. Theo đó, đề mục TNN được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 43 văn bản. Chỉ đáng tiếc, văn bản còn “đá nhau” và đáng tiếc hơn, pháp luật chưa đi vào cuộc sống, ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ nguồn nước đã được pháp định còn mơ hồ.

Điều 14 về chiến lược TNN xác định: “Đáp ứng nhu cầu về sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống có hiệu quả tác hại do nước gây ra; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước”. Như vậy, có thể hiểu, TNN liên quan đến quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững.

Câu chuyện cung cấp nước sạch có mùi vị khét, độc hại... ở Hà Nội trong tuần qua cho thấy từ câu chuyện nước sinh hoạt cho đô thị có thể chuyển hóa thành vấn đề an ninh xã hội, chứ không hề giản đơn.

Mặc dù Điều 45 của Luật TTN quy định Nhà nước “Có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt”.

Tuy nhiên, “khủng hoảng nước sạch” ở Hà Nội cho thấy, lĩnh vực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là nước sinh hoạt, trước hết cho các đô thị lớn, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư, nếu như không muốn nói là phải “độc quyền”.

Nhà máy nước phải là mục tiêu bảo vệ vì nó là vấn đề an ninh xã hội. Mất điện có thể thắp đèn dầu nhưng mất nước sạch là điều gây xáo trộn cuộc sống không kém, bởi không ai sống được nếu thiếu nước sạch./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus