Bản quyền truyền hình AFF Cup 2020: 5 triệu USD và chuyện về “miếng bánh” khó chia

27/04/2020 11:30

Kinhte&Xahoi Ngay từ bây giờ, câu chuyện bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 đã bắt đầu nóng lên. Thế nhưng, thực chất câu chuyện phía sau sức hút của “miếng bánh” này có phải là một cuộc làm giá của các nhà đài?

Việt Nam là đương kim vô địch AFF Cup. Ảnh: Đăng Huỳnh

Vì sao có con số 5 triệu USD? 

Chưa có đơn vị nào công bố mua bản quyền AFF Cup 2020 và từ trước hơn nửa năm, vấn đề này lại được hâm nóng lên một cách bất ngờ. Cách đây 2 năm, VTV sở hữu bản quyền truyền hình phát trên các nền tảng miễn phí trong khi Next Media thì sở hữu bản quyền phát đối với các nền tảng tính tiền trên hạ tầng vệ tinh, cáp, IPTV, OTT, phát thanh, internet, mạng xã hội, mạng di động. Bây giờ, đây cũng là hai đơn vị đang theo đuổi gói bản quyền của AFF Cup 2020. Tuy nhiên, năm nay, LSE - đơn vị nắm quyền phân phối bản quyền, bán gộp chung thành một gói. Thế nên sẽ chỉ có một đơn vị mua được gói sở hữu bản quyền và điều này dẫn đến một cuộc đua không khoan nhượng giữa các đơn vị truyền hình tại Việt Nam. 

Con số được rò rỉ với báo chí mới đây, đơn vị nào muốn sở hữu bản quyền AFF Cup 2020 phải chi ra con số không dưới 5 triệu USD, mức giá cao hơn rất nhiều so với cách đây 2 năm. Thực tế, con số 5 triệu USD xuất hiện trong trường hợp này có ý nghĩa như thế nào và có thực sự chính xác?

Theo thông tin tìm hiểu, thời điểm hiện tại đã có một đại diện của Việt Nam hoàn thành việc đàm phán và có đến 99% cơ hội sở hữu gói bản quyền AFF Cup 2020, với con số còn cao hơn cái giá  5 triệu USD. Và theo nhận định của đơn vị này thì thông tin về giá mua bản quyền AFF Cup 2020 được đưa ra với cái thấp hơn thực tế bản chất là động tác nhằm chơi xấu. Bởi đây sẽ là con số trên sẽ bất lợi cho đơn vị sở hữu nếu muốn chào bán giá bản quyền này cho các đài truyền hình, với một cái giá có lời.

Một vấn đề nữa cũng được đặt ra, tại sao đơn vị đã gần như chắc chắn sở hữu gói bản quyền này lại “im hơi lặng tiếng” chứ không thể công khai thông tin? Phải chăng có một cuộc “làm giá” để nâng giá bản quyền AFF Cup 2020 lên đỉnh điểm, khi theo dự báo, cơn sốt bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 sẽ được đẩy lên, trước khi đơn vị sở hữu chính thức công bố và chào bán cho các đối tác.

“Miếng bánh” AFF Cup  

Con số 5 triệu USD cũng sẽ là một gánh nặng với một đài truyền hình như VTV. Bởi lẽ, nếu tính đơn thuần, Đội tuyển Việt Nam đi đến trận chung kết thì tối đa là 8 trận đấu. Việc kêu gọi tài trợ quảng cáo để bù lại chi phí trên rất khó nói sẽ có lãi hay không. Nhưng một khi Đội tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng, chắc chắn nhà đài sẽ lỗ nặng. VTV hoạt động dựa vào cả ngân sách nhà nước, không giống như nhiều đơn vị tư nhân khác, thế nên có nhiều rào cản với cái khó trong việc sở hữu bản quyền. 

Khi VTV gặp khó trong việc mua bản quyền World Cup 2018, đứng trước nguy cơ buông đã phải nhờ đến 2 doanh nghiệp lớn ở Việt Nam hỗ trợ và “cứu một bàn thua”. Vấn đề được rút ra sau thương vụ đình đám đó không chỉ là việc VTV đã phản ứng chậm với việc mua bản quyền mà nằm ở chỗ, các đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình đã nắm được tâm lý của khán giả Việt Nam để làm giá, nâng giá.

Sau câu chuyện của World Cup 2018, VTV cũng đã buông cả ASIAD 18 bởi giá quá cao. Sau đó, VOV đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của Tập đoàn Vingroup để sở hữu các trận đấu từ vòng loại trực tiếp. Đó là vấn đề từng khiến giới chuyên môn đưa ra nhiều tranh luận trái chiều về vấn đề mua bản quyền truyền hình các giải đấu lớn tại Việt Nam. 

Bình luận viên Quang Huy đã đưa quan điểm rằng, các đài truyền hình cần có sự đoàn kết. Đây là điều mà chúng ta đã kêu gọi nhau lâu rồi thế nhưng vẫn thiếu một nhạc trưởng làm tốt câu chuyện này. Thế nhưng câu chuyện bản quyền truyền hình ở các giải đấu lớn có sự tham dự của Đội tuyển Việt Nam vẫn là miếng bánh khó chia, khi đơn vị nào cũng muốn độc quyền. 

Bản quyền truyền hình, đặc biệt là AFF Cup 2020, để chia sẻ là điều rất khó. Bởi việc độc quyền một giải đấu lớn đôi khi là sự sống còn với các đơn vị truyền hình. Giống như việc K+ từng nhất quyết sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh vì đó là yếu tố quyết định sự tăng trưởng của đơn vị này. Và nếu bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 được các đơn vị cùng chia sẻ, VTV sẽ chiếm lợi thế trong việc sản xuất và phát sóng nên chắc chắn khó tìm kiếm sự đồng thuận cao giữa các bên. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Theo Báo Lao động/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/ban-quyen-truyen-hinh-aff-cup-2020-5-trieu-usd-va-chuyen-ve-mieng-banh-kho-chia-d123064.html