Bán tranh cổ động "Ở nhà là yêu nước", Lê Đức Hiệp mua 1,2 tấn gạo ủng hộ người nghèo

22/04/2020 17:51

Kinhte&Xahoi Được nhiều tờ báo quốc tế ca ngợi, bức tranh cổ động "Ở nhà là yêu nước" của Lê Đức Hiệp đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Đáng chú ý hơn, vừa qua, tác giả của bức tranh đã quyết định bán 62 poster "Ở nhà là yêu nước" để mua 1,2 tấn gạo ủng hộ người nghèo trong mùa dịch Covid-19.

Trong số các bức tranh cổ động mùa dịch Covid-19 của Việt Nam, có bức tranh cổ động “Ở nhà là yêu nước” được tờ báo nổi tiếng The Guardian (Anh) và hãng thông tấn DPA (Đức) nhắc tới như một sự thành công của ngôn ngữ đồ họa trong việc tuyên truyền phòng chống dịch.

Hãng thông tấn Đức (DPA) đã viết về tác phẩm của Lê Đức Hiệp trong bài "Việt Nam dùng tranh cổ động trong cuộc chiến với virus Corona". Đó là: "Poster cổ động, một trong những món quà lưu niệm được du khách nước ngoài ưa thích, đã tái sinh giữa thời đại dịch ở Việt Nam. Tấm poster mang dáng dấp của một bức tranh cổ động thời chiến, nội dung là lời kêu gọi người dân thực hiện cách ly xã hội "Ở nhà là yêu nước", đã xuất hiện trên nhiều đường phố. Tác giả của nó là một họa sĩ trẻ có tên Lê Đức Hiệp".

Họa sĩ Lê Đức Hiệp bên bức tranh cổ động "Ở nhà là yêu  nước"

Còn tờ báo Anh (The Guardian) đã nhắc đến Lê Đức Hiệp với lý do vẽ bức tranh. Đó là "Sau khi chính phủ kêu gọi mọi người hãy ở nhà để cùng chung tay ngăn chặn Covid-19, tôi đã nhìn thấy trên mạng xã hội có nhiều người mặc kệ lời kêu gọi đó, vẫn tụ tập ở các quán cà phê hay nhà hàng. Điều đó thực sự làm tôi bực mình.

Tôi muốn làm một cái gì đó có thể lan truyền, nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho mọi người cùng nhau làm điều đúng đắn. Tôi đã chọn cách tuyên truyền này vì nó quen thuộc với người Việt Nam và phong cách này luôn khơi gợi những cảm xúc yêu nước."

Trong bức tranh, nổi bật nhất là hai nhân viên y tế đeo khẩu trang, dáng đứng hiên ngang như những người lính, tay giơ ngọn cờ thể hiện sự quyết chiến quyết thắng. Những câu khẩu hiệu được thể hiện rõ ràng trên tấm poster: "Hạn chế ra đường tụ tập để cùng chung tay đẩy lùi Covid-19", "Ở nhà là yêu nước", “Ai ho báo y tế. Ai tung tin giả báo công an. Ai trốn cách ly báo cộng đồng mạng”.

Lê Đức Hiệp (34 tuổi, quê Hải Dương, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh) đã có 12 năm làm thiết kế đồ họa. Anh chính là người thiết kế đồ họa cho bộ phim "Cô Ba Sài Gòn". Dù đã từng thiết kế ra hàng trăm poster, nhưng bức poster cổ động về phòng chống dịch Covid-19 "Ở nhà là yêu nước" lần này là một kỷ niệm không thể quên với Hiệp.

Đặc biệt, với bức tranh này, Lê Đức Hiệp thiết kế với hơi hướng hoài cổ và tác giả chỉ có ý định đưa lên trang facebook cá nhân, lan tỏa tinh thần yêu nước và thông điệp cách ly xã hội.

Tuy  nhiên, trước sự phản hồi tích cực của cộng đồng mạng, anh quyết định sẽ phổ biến bức tranh rộng rãi hơn. Đã có  nhiều lời yêu cầu mua bức tranh cổ động về sưu tầm, Lê Đức Hiệp suy nghĩ và quyết định biến nó thành một dự án thiết thực hơn.

Anh tiến hành in một số lượng nhỏ giới hạn để bán và sẽ dùng 100% lợi nhuận từ việc bán bức tran này mua gạo và quyên góp cho cây ATM gạo tại quận Tân Phú, TP. HCM.

Niềm vui của họa sĩ (bên trái) với 1,2 tấn gạo ủng hộ người nghèo

Lê Đức Hiệp đã đăng bài mở bán poster “Ở nhà yêu nước” in trên khổ giấy A2 với mức giá 300.000 đồng/bức, trong đó đã bao gồm phí vận chuyển, đóng gói cẩn thận trong ống giấy carton cứng để chống hư hỏng.

62 bức poster đã được Lê Đức Hiệp bán ra, thu được 16 triệu đồng. Hiệp dành toàn bộ số tiền này mua 1,2 tấn gạo rồi vận chuyển đến một địa điểm phát gạo miễn phí tại Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Lê Đức Hiệp chia sẻ, vậy là dự án đã khép lại và thành công. 1,2 tấn gạo không phải con số khổng lồ gì nhưng chúng ta đã giúp được rất nhiều người dân nghèo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/giai-tri/ban-tranh-co-dong-o-nha-la-yeu-nuoc-le-duc-hiep-mua-12-tan-gao-ung-ho-nguoi-ngheo/851416.antd