Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết

23/01/2021 08:10

Kinhte&Xahoi Sau khoảng 2 tuần ra quân, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm Tết của thành phố Hà Nội đã kiểm tra 4/7 quận, huyện, thị xã được phân công. Qua kiểm tra cho thấy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết tại các địa phương đã có chuyển biến tích cực nhưng có nơi vẫn gặp không ít khó khăn, việc xử lý vi phạm chưa triệt để, đòi hỏi tăng cường và siết chặt hơn nữa trong thời gian tới.

Cán bộ Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm trên xe kiểm nghiệm lưu động. Ảnh: Trang Thu

Kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở vi phạm

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thành phố đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm Tết của thành phố Hà Nội do lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội phụ trách được phân công kiểm tra 7 quận, huyện, thị xã: Tây Hồ, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Sơn Tây. Từ ngày 12-1 đến 21-1, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra và làm việc với 4 quận, huyện, thị xã: Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Vì và Sơn Tây.

Trực tiếp tham gia công tác kiểm tra an toàn thực phẩm Tết tại các quận, huyện, thị xã, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tăng lên; ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh, song cũng có nơi còn hạn chế, chưa kiên quyết, nhất là tuyến xã, thị trấn.

Với 2.207 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịp này, huyện Ba Vì đã thành lập 2 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tuyến huyện và 31 đoàn kiểm tra tuyến xã, thị trấn. Qua kiểm tra 315 cơ sở đã phát hiện 45 cơ sở vi phạm. Điều đáng nói, các đoàn kiểm tra của tuyến xã phát hiện 41 cơ sở vi phạm, nhưng chỉ xử phạt 4 cơ sở với số tiền 8 triệu đồng và nhắc nhở 37 cơ sở. Về vấn đề này, Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường lý giải: "Do địa bàn rộng, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ, cán bộ cấp xã lại thường xuyên biến động, đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng nể nang trong quá trình xử phạt…".

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 cũng đã tiến hành kiểm tra tại siêu thị Lan Chi trên địa bàn huyện Ba Vì. Tại thời điểm kiểm tra, siêu thị đã cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định, tuy nhiên, tại khu vực sản xuất bánh mì trong khuôn viên siêu thị không bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, còn tình trạng côn trùng xâm nhập. Đoàn kiểm tra số 1 đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tại khu vực sản xuất bánh mì trong siêu thị Lan Chi. Nếu đơn vị không khắc phục bằng cách phân chia khu sản xuất bánh mì riêng biệt, sẽ buộc phải đóng cửa.

Còn tại quận Cầu Giấy, trong dịp Tết và lễ hội Xuân năm nay đã thành lập 10 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra 148 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 45 cơ sở với số tiền gần 200 triệu đồng. Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Viên cho biết, các vi phạm chủ yếu là về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, chất lượng sản phẩm… Để tăng tính răn đe, ngăn chặn vi phạm, các đoàn kiểm tra từ phường đến quận sẽ xử phạt 100% cơ sở vi phạm.

Bảo đảm vừa chống thực phẩm “bẩn”, vừa chống dịch

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm dịp Tết của thành phố Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại siêu thị Lan Chi (huyện Ba Vì). Ảnh: Xuân Lộc

Từ nay đến hết ngày 25-3-2021, gần 700 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm Tết từ quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đến thành phố tiếp tục tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dịp Tết năm nay, các mặt hàng nhập khẩu bị hạn chế, thay vào đó là sản phẩm nội địa. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết chủ yếu tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bởi nguy cơ hàng trôi nổi, không nguồn gốc, nhãn mác sẽ len lỏi vào thị trường. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm ngay tại chỗ để thông tin, cảnh báo kịp thời đến người tiêu dùng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các địa phương cần kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, thay vì chỉ đôn đốc, nhắc nhở; đồng thời, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này. Năm nay, ngoài việc kiểm tra an toàn thực phẩm, nguồn gốc các mặt hàng phục vụ Tết, cơ quan chức năng còn tập trung kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

“Nếu cơ sở nào thực hiện tốt các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết, nhưng lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi vẫn xử phạt cơ sở đó” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Thu Trang -Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/989381/bao-dam-an-toan-thuc-pham-dip-tet