Bao giờ vắc-xin sốt xuất huyết được cấp phép lưu hành tại Việt Nam?

31/07/2019 15:04

Kinhte&Xahoi Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận khoảng 71.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018 và đã có một số trường hợp tử vong.

Vì vậy, thông tin Việt Nam đã hoàn tất nghiên cứu vắc-xin SXH đang chờ Hội đồng đạo đức (Bộ Y tế) nghiệm thu và cấp phép đã khiến rất nhiều người quan tâm.

Hình minh họa.

Những con số kinh hoàng

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến đầu tháng 7/2019, cả nước ghi nhận 87.806 trường hợp mắc SXH, 6 tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP HCM. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 3,1 lần (năm 2018 số mắc cùng kỳ là 28.039, tử vong là 8 trường hợp). Đặc biệt trong 5 tuần gần đây, số mắc tăng nhanh tại 34 tỉnh, TP thuộc các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

Mới đây nhất, chiều 25/7 một thiếu nữ 15 tuổi đã tử vong sau 6 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Đây là người đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk và là ca thứ 7 cả nước chết do SXH, kể từ đầu năm đến nay. Tính đến cuối tháng 7, Đắk Lắk có gần 6.600 bệnh nhân SXH, tập trung chủ yếu ở Buôn Ma Thuột và 3 huyện Buôn Đôn, Krông Năng và Cư M’gar.

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân số ca SXH tăng cao là do điều kiện thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và loăng quăng phát triển. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại… là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh phát triển và khó kiểm soát triệt để.

Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân về phòng chống SXH chưa cao, chưa chủ động diệt bọ gậy ngay trong hộ gia đình, thói quen tích trữ nước, không lật úp dụng cụ... khiến công tác kiểm soát véc tơ, phòng bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Nghiên cứu vắc-xin SXH tại Việt Nam đã hoàn tất

Với tình hình dịch bệnh SXH đang diễn tiến phức tạp, và có xu hướng gia tăng, khiến người dân hoang mang lo lắng, thì mới đây nhóm nghiên cứu vắc-xin SXH của Viện Pasteur TP HCM vừa công bố hoàn tất việc nghiên cứu vắc-xin này tại Việt Nam, chỉ còn chờ Hội đồng đạo đức (Bộ Y tế) nghiệm thu và cấp phép lưu hành.

Trả lời báo chí PGS.TS Trần Ngọc Hữu - nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vắc-xin SXH cho biết, vắc-xin SXH Dengvaxia của Sanofi Pasteur được bắt đầu nghiên cứu cách đây hơn 20 năm và đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu trên động vật và trên người, về dược lý, tính an toàn, hiệu quả.

Từ năm 2011 đến 2017, hai nghiên cứu lớn về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin được thực hiện và hoàn thành ở 10 quốc gia, trong đó có 5 quốc gia Đông Nam Á, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, từ năm 2011, sau khi nghiên cứu khoảng 2.336 trẻ trong độ tuổi từ 2-14 tuổi tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang), thì nhận được kết quả thử nghiệm thành công ngoài mong đợi, toàn bộ trẻ tham gia vào chương trình đều an toàn, không tai biến. Từ kết quả của 2 nghiên cứu trên cho thấy, vắc-xin Dengvaxia cho hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh SXH ở cá thể 9-16 tuổi có xác định nhiễm SXH trước đó. Hiện nay công tác nghiên cứu đã hoàn tất và nhóm nghiên cứu gửi kết quả cho Hội đồng đạo đức, chờ cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu đến hết năm 2018, Công ty Sanofi Pasteur đã đăng ký lưu hành vắc-xin Dengvaxia ở 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia cấp phép cho Dengvaxia đều khuyến cáo chỉ được tiêm vắc-xin cho người đã nhiễm SXH Dengue trước đó và được xác nhận bởi kết quả xét nghiệm hoặc thông qua kiểm tra huyết thanh trước khi tiêm phòng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus