Báo nước ngoài viết cuộc sống bên trong cơ sở cách ly Covid-19 của Việt Nam

25/03/2020 10:30

Kinhte&Xahoi Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đã đăng tải bài viết phản ánh một phần cuộc sống bên trong cơ sở cách ly Covid-19 tại một doanh trại quân đội ở Việt Nam.

Hoạt động đưa cơm tại một cơ sở cách ly ở tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Phuong Chinh/SCMP)

Trước khi lên đường trở về Việt Nam từ Anh tuần trước, Phuong Chinh đã hiểu rằng cô sẽ bị đưa vào cơ sở cách ly bắt buộc. Ban đầu, Chinh do dự về việc này, nhưng sau đó đã quyết định về nước.

Chinh - một học viên thạc sĩ ngành marketing ở London - cho rằng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh, Anh không an toàn bằng Việt Nam. Cô cũng chia sẻ chuyện từng bị phân biệt đối xử khi bị người khác chỉ vào mặt gọi là “corona” vì cô là người gốc Á.


Chinh là một trong hàng nghìn người Việt Nam ở nước ngoài lên các chuyến bay về nước. Hôm 17/3, Việt Nam ra thông báo rằng toàn bộ những người xuất phát từ Mỹ, châu Âu và các nước ASEAN đều bị bắt buộc cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là thông báo bổ sung cho quy định trước đó áp dụng cho người đến từ Trung Quốc đại lục, Iran, Italia và Hàn Quốc - những “điểm nóng” Covid-19 trên toàn cầu. Khi Chinh trở về, các quy định về cách ly đã có hiệu lực.

Tính đến ngày 24/3, Việt Nam đã cách ly khoảng 22.490 người trong khi theo dõi 30.000 người khác tự cách ly tại nhà, SCMP dẫn số liệu của Bộ Y tế Việt Nam đưa tin.

Vào thời điểm hiện tại, Việt Nam có 134 ca Covid-19 nhưng chưa có ca tử vong. Tuy nhiên, số ca ở Việt Nam đã có dấu hiệu tăng kể từ đầu tháng 3, phần lớn là các ca nhập ngoại từ châu Âu và Mỹ. Chính phủ Việt Nam đang thể hiện sự quyết tâm lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cuộc sống trong cơ sở cách ly

Sau khi nhập cảnh, Chinh cuối tuần qua được đưa tới một cơ sở cách ly ở Đồng Tháp do các quân nhân và các nhân viên y tế vận hành. Cô hiện vẫn chưa có triệu chứng của Covid-19 và đang chờ kết quả xét nghiệm.

Chinh cho biết phòng cô có 6 người. Mỗi người có giường riêng và được phát đồ vệ sinh cá nhân. Ba bữa ăn mỗi ngày và nước uống đều được phát miễn phí.

"Điều kiện tại đây không thể giống như ở nhà, nhưng tôi ổn. Hôm qua, tôi có nhờ các quân nhân cho tôi ăn rau muống vì chúng tôi rất thèm món này. Vào cùng ngày, chúng tôi đã được ăn theo mong muốn”, Chinh nói.

Một công dân Anh giấu tên và vợ của ông đã được đưa vào một cơ sở cách ly ở Thành phố Hồ Chí Minh tuần trước sau khi nhập cảnh vào Việt Nam. Điều kiện tại cơ sở này giống với cơ sở của Chinh.

“Mọi người ở đây làm việc rất chăm chỉ trong điều kiện rất vất vả và chúng tôi không có gì ngoài việc tôn trọng những gì mà họ đang làm”, người đàn ông cho hay.


Gavin Wheeldon chụp ảnh với 2 nhân viên y tế của Việt Nam tại cơ sở cách ly (Ảnh: Gavin Wheeldon/SCMP)

Công dân Anh Gavin Wheeldon, người đến Hà Nội hôm 14/3, mô tả rằng ban đầu anh cảm thấy lo ngại vì không có nhiều thông tin về một nơi còn xa lạ và không biết điều gì sẽ chờ đợi anh phía trước.

Tuy nhiên, nỗi e dè đã biến mất khi Wheeldon bắt đầu quãng thời gian cách ly ở một doanh trại quân sự tại Sơn Tây, Hà Nội. Wheeldon hòa nhập với cuộc sống bên trong cơ sở cách ly và dần quen với không khí tại đây.

Anh được hỗ trợ về mặt ngôn ngữ giao tiếp, được một quân nhân mua hộ thẻ sim điện thoại để có thể liên lạc với người thân. 

Wheeldon đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, tuy nhiên anh vẫn lo ngại rằng mình có thể vẫn mang virus corona mới (SARS-CoV-2) khi ra ngoài và anh không muốn vô tình phát tán nó.

“Với những người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương, nhiễm virus có nghĩa là chuyện sinh tử. Tôi không muốn mình trở thành lý do khiến ai đó không được gặp ông hay bà của họ lần nữa”, anh lý giải.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/quoc-te/bao-nuoc-ngoai-viet-cuoc-song-ben-trong-co-so-cach-ly-covid-19-cua-viet-nam-d120125.html