Bão số 9 áp sát ven biển Đà Nẵng đến Phú Yên

28/10/2020 07:49

Kinhte&Xahoi Bão số 9 là cơn bão rất mạnh, dự kiến đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15.

Bão số 9 sẽ tiếp tục gây gió giật mạnh, mưa lớn đến tối nay.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt. 

Từ ngày 28-31/10, khu vực Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4.

Hồi 4 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16. Bán kính khoảng 280km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên; bán kính khoảng 120km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông từ 4 giờ ngày 28/10 đến 4 giờ ngày 29/10 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) gồm: Từ vĩ tuyến 11,0-18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Từ 4 giờ ngày 28/10 đến 16 giờ ngày 28/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở trên khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Từ 16 giờ ngày 28/10 đến 4 giờ ngày 29/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Trong ngày 28/10, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 8-10 m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8 m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió Đông Bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.  

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, phía Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khi cập bờ, bão số 9 có thể gây gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12 tại một vùng rộng lớn từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên. Riêng tại 4 địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có thể có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Khu vực Bắc Tây nguyên gồm tỉnh Kon Tum, Gia Lai cũng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Ông Lâm cho biết, với sức mạnh cấp 11-13, gió giật cấp 15, bão số 9 có thể gây gió giật mạnh nhất trong 20 năm qua ở Việt Nam. “Khi đi qua Philippines, bão số 9 đã càn quét gây ngập lụt diện rộng. Với sức gió cấp 12 khi vào đất liền nước ta, các ngôi nhà cấp 4 kết cấu yếu có khả năng bị phá hủy hoàn toàn”, ông Lâm nói.

Theo các chuyên gia, người dân nên chuẩn bị kỹ các phương án trước khi bão đổ bộ. Theo đó, người dân nên kiểm tra hệ thống thoát nước của căn nhà; dự trữ đủ thực phẩm và nước uống cho vài ngày, lý tưởng nhất là các thực phẩm đóng hộp để phòng khi không thể nấu nướng; kê mọi thứ trong nhà lên cao, nhất là các vật dụng có điện để nước không ngấm khi nước lụt tràn vào nhà; thu hoạch nông sản ngay lập tức; neo đậu tàu thuyền vào chỗ an toàn; sơ tán ngay khỏi vùng trũng, đất dốc hoặc nguy hiểm; luôn luôn dự trữ đèn pin, nến, pin và hộp cứu thương; thường xuyên cập nhật đường đi, diễn biến của bão.

Khuê Lâm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bao-so-9-ap-sat-ven-bien-da-nang-den-phu-yen-d138923.html