Bảo vệ đất trồng lúa: Cần quyết tâm và hành động thực tế

15/11/2020 10:07

Kinhte&Xahoi Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 22-3-2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việc chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất là cần thiết, nhưng cũng cần sự tính toán cần thiết, lộ trình phù hợp nhằm bảo vệ diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội.

Việc bảo vệ đất trồng lúa có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội. Ảnh: Nguyễn Quang

Thu hồi đất trồng lúa để... bỏ hoang

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ở thời điểm năm 2008, Hà Nội có diện tích lúa là 206.643ha; đến năm 2019 giảm xuống còn 180.000ha. Đã có 26.643ha đất lúa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Các huyện có diện tích đất lúa giảm nhiều là Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất... Bên cạnh một số dự án lớn đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội thì còn nhiều dự án khi chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác lại không mang lại kết quả tích cực.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện còn đến 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai; trong đó có 76 dự án chậm triển khai từ 5 đến 10 năm. Còn theo báo cáo của các quận, huyện (được tổng hợp bởi các đoàn giám sát của HĐND thành phố), có đến 383 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Nhiều dự án đường giao thông, bất động sản, khu đô thị, chợ... thu hồi đất xong thì bỏ hoang, hoặc triển khai một vài hạng mục rồi “đắp chiếu”... Đó là chưa kể một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng tự phát chuyển đổi đất lúa sang mục đích sử dụng khác và chưa được xử lý nghiêm khắc.

Cùng với việc diện tích trồng lúa bị thu hẹp, nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp hoặc thất nghiệp tạm thời, trở thành lao động tự do; chỉ có một số người được vào làm trong các doanh nghiệp nhưng chưa có sự ổn định do thiếu kỹ năng nghề... Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, khẳng định: Những điều nêu trên đã được cảnh báo từ lâu.

Trong khi đó, Hà Nội có lợi thế riêng về phát triển nông nghiệp. Thị trường nông sản của Hà Nội cũng rất lớn. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNN) Hà Nội, dân số khu vực nông thôn hiện là trên 4,1 triệu người; lao động ở khu vực nông thôn có 2,2 triệu người, chiếm trên 40,2% lực lượng lao động toàn thành phố. Hà Nội hiện có 180.000ha đất nông nghiệp (chiếm 58,3% tổng diện tích của Hà Nội), trong đó, diện tích trồng lúa hằng năm đạt khoảng 108.300ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha canh tác của Hà Nội đạt khoảng 265 triệu đồng.

Bởi vậy, theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, các cấp, ngành chức năng phải quản lý tốt, bảo vệ đất trồng lúa để tránh hai nguy cơ lớn là: Thiếu hụt đất sản xuất lương thực khi dân số tăng cao và thêm nhiều nông dân có nguy cơ thiếu việc làm ổn định.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp

Theo đề xuất của nhóm tác giả góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trước hết chúng ta cần làm tốt khâu nhìn nhận, đánh giá các nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong những năm qua, trong đó nổi lên là biểu hiện không phù hợp trong việc thực thi chính sách. Nhiều lãnh đạo ở các cấp, ngành còn tư duy kinh tế giản đơn, tư duy nhiệm kỳ, có tâm lý chạy theo tăng trưởng về số lượng, chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá...

Những hạn chế đó gây ra nhiều hậu quả: Sai lầm trong định hướng đầu tư phát triển nguồn lực, các ngành mũi nhọn; sai lầm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương và gây ra nhiều tổn thất về kinh tế. Cùng với đó, còn có nguyên nhân từ việc chưa bảo đảm tính khách quan đúng đắn trong việc tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách kinh tế, chính sách phân bổ ngân sách, chưa coi trọng đúng mức vai trò của thị trường... Việc khắc phục những sai lầm, yếu kém đó đòi hỏi thời gian nhất định, nhưng phải sớm được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, sản xuất lúa gạo vẫn là một ưu thế, lợi thế của Hà Nội và cả nước. Việc thực hiện chính sách linh hoạt có thể cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Một phần tiền nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được sử dụng để đầu tư cho đất lúa; phần còn lại dùng để tăng hiệu quả sản xuất lúa, tăng giá trị sử dụng đất.

Để quản lý, bảo vệ tốt đất trồng lúa cho mục tiêu phát triển bền vững, thành phố Hà Nội đã có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Quy mô diện tích dự kiến chuyển đổi khoảng 17.926ha. Theo PGS.TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, phương án chuyển đổi đất lúa để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là đúng đắn. Tổng thể, Hà Nội chỉ cần giữ lại khoảng 50.000ha đất lúa, có thể chuyển đổi hơn 40.000ha đất lúa sang nuôi trồng các loại cây, vật nuôi khác cho giá trị kinh tế cao hơn.

Từ tháng 2-2019, HĐND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND thành phố đăng công khai (định kỳ 6 tháng/lần) danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai trên Cổng giao tiếp điện tử của Thành phố cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó là chủ trương không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích. Đó là những bước đi rất quan trọng nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa và thực hiện việc đầu tư cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

Điều được dư luận quan tâm và mong mỏi là các cấp, các ngành chức năng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người trồng lúa và siết chặt, hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Về việc thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với người trồng lúa theo quy định của Nhà nước, các nội dung cụ thể là: Giao đất không thu tiền sử dụng đất; miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người trồng lúa; hỗ trợ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...;  đẩy mạnh sản xuất lương thực, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất lúa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chúng ta cần có giải pháp mang tính tổng thể trong quản lý, bảo vệ đất trồng lúa để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Một mặt, phải sử dụng hết quỹ đất đang có, mặt khác, phải chuyển bớt lao động trực tiếp trồng trọt sang các ngành nghề khác để tăng diện tích bình quân cho nông hộ, tăng hiệu quả sản xuất. Đối với những trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì đồng thời phải có biện pháp để bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa. Trong quá trình thực hiện Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, cần đặc biệt chú ý không làm mất đi các điều kiện phù hợp để khi cần thiết phục hồi mặt bằng phục vụ cho việc trồng lúa trở lại.

Trung Minh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/983642/bao-ve-dat-trong-lua-can-quyet-tam-va-hanh-dong-thuc-te