Bên trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam ở Hà Nội

19/06/2020 11:20

Kinhte&Xahoi Bảo tàng có trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản. Trong số đó, trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động và đón khách tham quan từ ngày 19/6 sau gần 3 năm xây dựng.
 
Ngày 28/7/2017, Thủ tướng ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia nằm tại Tòa nhà Hội nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
 
 Hệ thống loa phát thanh ở vĩ tuyến 17 có thể truyền xa 10 km, công suất 500 W, là một trong hàng nghìn kỷ vật được trưng bày trong bảo tàng.
 
Bảo tàng có trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản. Trong số đó, trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.
 
 “Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn so với các bảo tàng khác nên công tác sưu tầm, khai thác tư liệu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng thể hiện những hình ảnh chân thực nhất, đặc biệt đối với kỉ vật của các nhà báo. Chúng tôi đã rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ và những kỷ vật hiến tặng của các nhà báo lão thành”, nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết.
 
Với thiết kế độc đáo trên diện tích 1.500 m2, 95% hiện vật được trưng bày là hiện vật gốc, phần còn lại là phục chế. Đội kĩ thuật viên chuyên nghiệp sẽ giúp phục chế, sắp xếp lại theo đúng cái có sẵn. 
 
Các không gian được trưng bày và bố trí triệt để trên các diện trưng bày khác nhau như trưng bày các giải pháp đồ họa trên đai vách; bằng hiện vật; tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay… để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng.
 
Bộ trang thiết bị tác nghiệp của các nhà bào thời điểm trước gồm máy ảnh cơ, bút, sổ ghi chép, thẻ nhà báo...
 
Bảo tàng đưa người xem đi theo 5 giai đoạn nổi bật của nền báo chí Việt Nam. Giai đoạn với những dấu mốc đầu tiên 1865-1925, giai đoạn 1925-1945, Báo chí chiến khu gia đoạn 1945-1954, Làm báo dưới hầm giai đoạn 1954-1975, Báo chí đổi mới cùng đất nước giai đoạn 1975 đến nay.
 
Tiếp cận với xu hướng xây dựng bảo tàng hiện đại, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng triển khai theo hướng trưng bày ảo. Hệ thống công nghệ màn hình tại khu vực trưng bày của báo điện tử sẽ công chiếu 26 bộ phim giới thiệu về lịch sử báo chí và các nhà báo tiêu biểu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
 
Bảo tàng có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm được trưng bày, phản ánh những sự kiện nổi bật của báo chí Việt Nam. Trong đó, có nguyên bản chiếc máy in Việt Lập dùng để in tờ báo Việt Nam độc lập, được nhập về nước ta vào năm 1966.
 
 
Xuất phát từ ý tưởng Báo chí Việt Nam trong suốt quá trình phát triển luôn đồng hành cùng lịch sử đất nước, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bảo tàng Báo chí Việt Nam dự kiến chính thức khai trương và đón khách tham quan vào ngày 19/6/2020
 

 Trọng Trinh


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ben-trong-bao-tang-bao-chi-viet-nam-o-ha-noi-d127472.html