Bị cảnh cáo "thận trọng khi phát ngôn", Grab "tố ngược" Tổng cục Thuế

14/12/2020 07:42

Kinhte&Xahoi Không lâu sau khi bị Tổng cục Thuế yêu cầu “thận trọng trong phát ngôn”, Grab đã lập tức phản pháo bằng cách tố ngược cơ quan thuế áp dụng Nghị định 126/2020 không hợp pháp.

 Grab trở thành tâm điểm của dư luận trong thời gian qua sau khi tăng giá cước và chiết khấu của tài xế (Ảnh: Hòa Thắng).

Chiều 13/12, nguồn tin của phóng viên cho biết, Công ty TNHH Grab đã có văn bản phúc đáp lại văn bản ngày 11/12 của Tổng cục Thuế.

Nghị định 126/2020 bị áp dụng không hợp pháp?

Trong văn bản này, Grab cho rằng, hiện chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách xe hai bánh. Theo Grab, trong thực tế, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh vẫn phải dựa vào các nguyên tắc của Bộ Luật Dân sự giữa tài xế và hành khách.

Do đó, phía Grab cho hay, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh hoàn toàn không có tính chất kinh doanh mà là hoạt động kiếm sống của những người có thu nhập thấp (đa phần dưới 100 triệu đồng/năm).

Công ty TNHH Grab khẳng định, việc Tổng cục Thuế áp dụng Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đối với trường hợp tính thuế giá trị gia tăng của hình thức xe hai bánh là không hợp pháp.

Cũng trong văn bản phúc đáp Tổng cục Thuế, Công ty TNHH Grab tái khẳng định DN này chỉ là bên cung cấp dịch vụ kết nối cho các tài xế xe hai bánh theo mô hình kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử mà Grab đã đăng ký với Bộ Công thương. Còn tài xế xe hai bánh là người trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải và hưởng phần lớn doanh thu. Grab được hưởng phí dịch vụ kết nối là 20% doanh thu cuốc xe.

Trước đó, như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, ngày 11/12, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Công ty TNHH Grab Việt Nam về việc phát ngôn báo chí liên quan đến việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá sau khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực.

Trong văn bản gửi đi, Tổng cục Thuế khẳng định Nghị định 126/2020 không phải là quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT). Do đó, chính sách thuế VAT với hoạt động vận tải không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế VAT 10% như từ trước đến nay.

Tuy nhiên, ngay sau buổi làm việc với Tổng cục Thuế, Grab đã phát đi thông cáo cũng như đưa ra lời giải thích với các tài xế và công luận rằng về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá là do tác động Nghị định 126/2020. 

Tổng cục Thuế cho rằng những phát ngôn này đã tạo ra dư luận và cách hiểu không đúng về pháp luật của Nhà nước về chính sách thuế nên yêu cầu Grab thận trọng phát ngôn khi đưa ra lời giải thích với công luận và lái xe về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng khẳng định Grab cũng cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, tài xế lái xe tại Việt Nam để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và cùng phát triển.

 Các chuyên gia cho rằng Grab đang cố tình hiểu sai về Nghị định 126/2020 và khiến dư luận hiểu sai (Ảnh: Hòa Thắng).

Grab đang cố tình hiểu sai

 Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về nội dung văn bản “phản pháo” mà Grab vừa gửi Tổng cục Thuế, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nội dung Nghị định 126/2020 là rất rõ ràng. Đó là văn bản pháp lý quy định cụ thể trách nhiệm khai thuế của tổ chức trong mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân - không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng.

“Grab cứ khăng khăng cho rằng Nghị định 126/2020 là nguyên nhân khiến họ phải tăng cước và tăng phần trăm khấu trừ của tài xế đề bù thuế giá trị gia tăng là không đúng. Có vẻ như Grab đang cố tình hiểu sai và khiến dư luận hiểu sai về Nghị định 126/2020” – luật sư Bùi Đình Ứng nói.

Về việc Grab cho rằng chỉ là bên cung cấp dịch vụ kết nối cho các tài xế xe hai bánh theo mô hình kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử, còn các tài xế mới là người người trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải và hưởng phần lớn doanh thu, luật sư Bùi Đình

Ứng khẳng định, đã là hoạt động cung ứng dịch vụ có trả phí thì đều là hoạt động kinh doanh. Do đó, dù Grab có cho rằng chỉ nhận phần trăm ít hơn thì họ cũng là đơn vị kinh doanh và phải nộp thuế theo quy định.

“Trên thực tế Grab quyết định giá cước thì là hoạt động kinh doanh vận tải rồi. Không hiểu sao DN này cứ khăng khăng nói chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ. Cái này Bộ GTVT và các cơ quan có trách nhiệm phải làm cho rõ mới được” – luật sư Bùi Đình Ứng nói.

 “Grab nói rằng áp dụng Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đối với trường hợp tính thuế giá trị gia tăng của hình thức xe hai bánh là không hợp pháp vì chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách xe hai bánh là không chính xác. Bởi theo quy định thì tất cả đối tượng thực hiện trao đổi hàng hóa, dịch vụ, buôn bán và thu tiền về đều là hoạt động kinh doanh. Mà đã là hoạt động kinh doanh thì dù lớn hay nhỏ đều có trách nhiệm nộp thuế. Còn mức thuế như thế nào và đối tượng nào được giảm trừ hay miễn thuế phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định”.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính PGS. TS Ngô Trí Long

 Nguyễn Qúy - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bi-canh-cao-than-trong-khi-phat-ngon-grab-to-nguoc-tong-cuc-thue-404218.html