Bị nhà thầu phản ứng, công tác đấu thầu của PVN đã "chuẩn chỉnh"?

13/05/2020 16:44

Kinhte&Xahoi Năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ những vi phạm trong công tác đấu thầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhưng thay vì khắc phục, chấn chỉnh, PVN lại tiếp tục ban hành những văn bản, quy chế có dấu hiệu vi phạm nhằm “hạn chế nhà thầu” tham dự.

Đã từng sai phạm

Kỳ họp thứ 14 Ủy ban Kiểm tra Trung ương (từ ngày 24 đến 26/4/2017) đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan. Ngoài việc chỉ rõ các vi phạm về hoạt động giám sát, đầu tư, cán bộ… tại PVN, UBKTTW cũng đã xác định các vi phạm của Tập đoàn này trong công tác đấu thầu.

Trụ sở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam

Theo đó, UBKTTW đã chỉ rõ: “Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Đảng ủy Tập đoàn ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU, ngày 17/08/2009 có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.

Để Hội đồng thành viên ban hành các nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật”.

Trong khi những vi phạm trên đang trong quá trình khắc phục thì PVN lại bị các nhà thầu tiếp tục phải ứng với việc ban hành, thực thi các quy định về đấu thầu có dấu hiệu thiếu minh bạch, hạn chế nhà thầu. Thậm chí, có những quy chế có dấu hiệu vi phạm đến mức Cục Quản lý đấu thầu phải “tuýt còi”.

Cục Quản lý đấu thầu phải “tuýt còi”

Ngay khi PVN ban hành Quy chế số 6097, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã lên tiếng phản ứng. Theo đó, trong quy chế có quy định cho nhà bảo hiểm gốc “Nhà cung cấp bảo hiểm đạt được xếp hạng tài chính ở mức an toàn bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch”.

Về việc này nhà thầu bảo hiểm PTI cho rằng: Theo Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, thì quy định xếp hạng bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch chỉ áp dụng cho hoạt động tái bảo hiểm và các doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Công văn của Cục Quản lý đấu thầu.

Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm, quy chế yêu cầu: “Nhà cung cấp bảo hiểm phải có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng cung cấp bảo hiểm tương tự cho các tài sản, dự án có tính chất và quy mô tương tự tại Việt Nam (bao gồm nhưng không giới hạn công trình sản xuất công nghiệp nặng, công trình dầu khí theo quy định của pháp luật Việt Nam), trong đó quy mô tương tự là hợp đồng có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá kế hoạch của hợp đồng bảo hiểm đang chọn nhà cung cấp bảo hiểm”.

Nhà thầu PTI cho rằng, trong danh sách 4 nhà cung cấp bảo hiểm phi nhân thọ đã có các xếp hạng quốc tế đáp ứng yêu cầu của Quy chế, sẽ có thêm doanh nghiệp bị loại bởi tiêu chí hợp đồng tương tự.

Ngoài ra, quy chế của PVN yêu cầu thêm: “Trường hợp các nhà cung cấp bảo hiểm thành lập liên danh để cấp đơn bảo hiểm gốc thì liên danh này không được nhiều hơn hai thành viên và các thành viên phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 2 Điều này”.

Theo nhà thầu, quy định này hạn chế sự tham gia của nhà thầu vì các dự án trong lĩnh vực dầu khí thường có quy mô rất lớn.

Liên quan đến việc này tại văn bản số 116/QLĐT-CS ngày 7/2/2020, Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, trường hợp hoạt động mua bảo hiểm của PVN thuộc dự án đầu tư phát triển thì trong hồ sơ mời thầu không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng (khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).

Đối với trường hợp, hoạt động mua bảo hiểm của PVN sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh thường xuyên hàng năm thì “việc ban hành các quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp này thuộc trách nhiệm của PVN song phải đảm bảo mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

 “Chê” năng lực nhà thầu nội

Một gói thầu khác do Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGAS (công ty thành viên của PVN làm chủ đầu tư) và Ban Quản lý dự án Khí Đông Nam Bộ (bên mời thầu) là gói thầu gói thầu bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng (HSMT) cho Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 phát hành ngày 16 tháng 8 năm 2019 cũng bị các nhà thầu phản ứng gay gắt.

Theo các nhà thầu, nội dung chính của Gói thầu là cung cấp dịch vụ bảo hiểm xây dựng lắp đặt gồm thiệt hại vật chất và trách nhiệm đối với bên thứ ba cho dự án, bao gồm: Phần xây dựng trên biển (đường ống biển) và phần xây dựng trên bờ (đường ống bờ).

“Nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được gói thầu này nhưng Chủ đầu tư và Bên mời thầu lại tổ chức đấu thầu quốc tế; xây dựng tiêu chí hồ sơ mời thầu (HSMT) để lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp tái bảo hiểm nhưng doanh nghiệp tái bảo hiểm không ký hợp đồng với Chủ đầu tư mà lại chỉ định một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước để ký hợp đồng”, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt nêu ý kiến.

Đơn vị bảo hiểm Bảo Việt cho rằng các công ty bảo hiểm trong nước hoàn toàn có đủ năng lực và kinh nghiệm đứng tên là nhà thầu chính cho các dự án có rủi ro đặc thù và mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại cao như các dự án thuộc lĩnh vực bảo hiểm dầu khí, cho dù phí bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm mà các doanh nghiệp trong nước chào cho chủ đầu tư là dựa trên phí và điều kiện bảo hiểm do các công ty tái bảo hiểm quốc tế cung cấp.

Thực tế triển khai bảo hiểm trong ngành dầu khí (có số tiền bảo hiểm cao và giá trị tổn thất phát sinh lớn) từ trước đến nay cho thấy các công ty bảo hiểm trong nước hoàn toàn đảm nhiệm tất cả các công tác liên quan đến chương trình bảo hiểm, bao gồm cấp đơn, triển khai hợp đồng, giải quyết bồi thường… và trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư đối với 100% chương trình bảo hiểm.

Điều 15 Luật Đấu thầu quy định:

1. Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

……………..

c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu. 

Có thể thấy được gói thầu bảo hiểm xây dựng lắp đặt công trình thuộc dự án “Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2” của Ban Đông Nam Bộ nói riêng và các gói thầu bảo hiểm của các dự án khác thuộc lĩnh vực dầu khí nói chung, các công ty bảo hiểm trong nước hoàn toàn có đủ năng lực đảm nhiệm và do đó việc tổ chức đấu thầu tái bảo hiểm quốc tế là vận dụng sai quy định của pháp luật”, Bảo hiểm Bảo Việt nêu quan điểm.

Trụ sở Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGAS.

Ngoài nội dung trên, một số yêu cầu của HSMT do bên mời thầu đưa ra cũng được nhận định rằng, đó là những quy chế làm hạn chế nhà thầu tham dự thầu, đặc biết đối với các nhà thầu trong nước…

Công ty bảo hiểm Bảo Việt cho rằng: “Dù một số tiêu chí trong HSMT đối với công ty bảo hiểm trong nước đã được điều chỉnh song vẫn hạn chế sự tham gia của nhà thầu trong nước. Vì vậy, nhà thầu đề nghị, để đảm bảo cho việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu này tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và Luật Kinh doanh bảo hiểm thì phải thay đổi hình thức đấu thầu từ đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp tái bảo hiểm sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà thầu là công ty bảo hiểm gốc”…

Việc đấu thầu đối với dự án “Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2” của Ban Đông Nam Bộ là đấu thầu lựa chọn nhà tái bảo hiểm, và ký hợp đồng lại là ký với nhà bảo hiểm trong nước theo chỉ định tại hồ sơ dự thầu. Như vậy, về mặt bản chất, có thể nhận định đây là hành vi “lách luật, chỉ định ngầm”nhà bảo hiểm trong nước, loại bỏ sự cạnh tranh tại chính thị trường bảo hiểm Việt Nam, dẫn đến những thiệt hại về mặt kinh tế, đặc biệt cho những dự án, tài sản của Nhà nước như PVN.

Sau kết luận của UBKTTƯ và qua hai vụ việc trên có thể thấy, công tác thực hiện đấu thầu ở PVN còn rất nhiều vấn đề tồn tại, cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng và bản thân Tập đoàn Dầu khí để sớm rà soát, chấn chỉnh, đem lại niềm tin cho nhà thầu, cho dư luận, đảm bảo hiệu quả, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
=

Ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm trong đấu thầu

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất giải pháp trong công tác quản lý đấu thầu nhằm ngăn chặn thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, dư luận phản ánh việc Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế, ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, cũng là lúc dễ nảy sinh tiêu cực. Nhiều bộ, ngành, địa phương rầm rộ triển khai “phong trào” xin cơ chế đặc thù như thay vì đấu thầu, đã xin chuyển qua hình thức chỉ định thầu, dẫn đến nguy cơ thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm… 


Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dau-thau/bi-nha-thau-phan-ung-cong-tac-dau-thau-cua-pvn-da-chuan-chinh-d124334.html