Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để phòng, chống dịch Covid-19

27/02/2020 16:35

Kinhte&Xahoi Theo Bí thư Thành uỷ, đây là dịch dễ lây nhưng khó phòng. Do đó, cần rà soát tất cả các chỉ đạo của TP một cách trực tiếp để có phương án hợp lý và cần tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, từng cơ sở khám chữa bệnh cần chủ động tính toán phương án dự phòng như mở rộng thêm cơ sở và có tập huấn phác đồ điều trị hiệu quả. Đồng thời, nâng cao công tác dự báo tình hình dịch bệnh và có các phương án để bổ sung trong phòng, chống dịch Covid-19.

Sáng 27/2, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2020), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã đi thăm, chúc mừng và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Sở Y tế Hà Nội.

Cùng đi có Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung - Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo.

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu chúc mừng sở Y tế Hà Nội nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với Covid-19

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đến nay, 100% bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện thành thạo kỹ thuật mổ nội soi; các bệnh viện hạng I phát triển nhiều kỹ thuật chuyên môn trong các chuyên ngành sản phụ khoa, tim mạch, lọc máu nhân tạo, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm. Đến năm 2020, ngành y tế Hà Nội có 36/41 bệnh viện đã thực hiện tự chủ chi hoạt động thường xuyên.

Về y tế cơ sở, đã triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân (đạt 82,5% dân số); triển khai sàng lọc ung thư đại tràng cho 432.662 người dân trên 40 tuổi của 28/30 quận, huyện; xây dựng trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình; nhân rộng mô hình điểm tại các trạm y tế của 30 quận, huyện, thị xã.

Báo cáo trọng tâm về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến hết ngày 26/2 đã có 650 người đến từ vùng dịch đang cách ly tại khu cách ly của Bộ Tư lệnh Thủ đô. Dự kiến trong ngày 27/2 có thêm khoảng 800 người nữa đến từ vùng dịch và phải thực hiện cách ly. Hiện, Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus corona. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xảy ra ở Hà Nội là rất lớn nếu không quyết liệt các biện pháp phòng dịch. 

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo TP tặng hoa chúc mừng Sở Y tế Hà Nội nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Hà Nội sẽ diễn tập tình huống có dịch Covid-19

Trao đổi một số vấn đề về công tác y tế mà các đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong những năm qua, TP luôn quan tâm đầu tư có ngành y tế. Điều này được thể hiện ở việc công tác y tế của TP những năm qua có sự phát triển vượt bậc và dần khẳng định được vị thế là trong những đơn vị y tế dẫn đầu trong cả nước.

Đối với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã làm việc với Bộ Y tế để xin các chỉ tiêu đào tạo bác sỹ nội trú. TP đã thực hiện đầu tư đồng bộ 584 trạm y tế và mỗi trạm đều có từ 7 - 12 y tá, điều dưỡng viên. Hiện, TP đang thí điểm biến các trạm y tế thành mô hình bác sỹ gia đình tại Sóc Sơn. 

Liên quan đến công tác phòng dịch, Hà Nội là một trong những đơn vị triển khai công tác phòng dịch Covid-19 từ rất sớm. Theo đó, Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị bộ đội kiểm soát chặt chẽ đo thân nhiệt đối với tất cả các hành khách đến từ các nước có dịch khi nhập cảnh vào sân bay Nội Bài. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, phát hiện những trường hợp nghi ngờ để thực hiện cách ly. Song song với đó, TP cũng thành lập ban chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các của T.Ư, hướng dẫn Bộ Y tế. Trong quá trình thực hiện hơn 1 tháng qua, TP liên tục cập nhật mọi tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 và phác đồ điều trị, phương pháp cách ly. Đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm chéo. 

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP đề nghị, các sở, ngành liên quan tập trung cao độ để phối hợp Bộ Y tế trong việc tầm soát, kiểm soát dịch tại sân bay Nội Bài. Đối với các bệnh viện được phân công, cần tổ chức tập huấn và xây dựng kế hoạch tình hình. Lập kế hoạch cụ thể để tuần tới thực hiện diễn tập công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, chuẩn bị mua sắm đầy đủ trang thiết bị để cung cấp cho các bệnh viện, trạm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nâng cao công tác dự báo tình hình dịch bệnh

Chúc mừng đội ngũ y bác sĩ của Sở Y tế, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, trong 65 năm qua, các đồng chí y, bác sỹ đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe đời sống của Nhân dân và góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, trong những ngày qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã hoạt động tích cực; các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế đang “căng mình” phòng, chống dịch. Hà Nội đã làm khá tốt công tác phòng, chống dịch một cách bài bản, hiệu quả và đến nay chưa ghi nhận ca nào dương tính.

Theo Bí thư Thành uỷ, đây là dịch dễ lây nhưng khó phòng. Do đó, cần rà soát tất cả các chỉ đạo của TP một cách trực tiếp để có phương án hợp lý và cần tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, từng cơ sở khám chữa bệnh cần chủ động tính toán phương án dự phòng như mở rộng thêm cơ sở và có tập huấn phác đồ điều trị hiệu quả. Đồng thời, nâng cao công tác dự báo tình hình dịch bệnh và có các phương án để bổ sung trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị UBND TP nghiên cứu phương án cách ly từng khu phố nếu cần thiết. Đây là việc rất cần thiết nên cần chủ động thực hiện ngay. “Khác với các tỉnh như Vĩnh Phúc địa bàn các xã tách biệt nhau rất dễ khoanh vùng. Còn ở nội thành Hà Nội, các khu phố liên thông nhau sẽ rất khó khăn thực hiện nên phải nghiên cứu thử nghiệm trước để có phương án khả thi và khi cần là có thể áp dụng ngay” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy, hiện nay chủ trương, chính sách của Đảng ta liên quan đến ngành y có rất nhiều, trong đó có ngành y tế. Tinh thần các Nghị quyết này vẫn khẳng định lại quan điểm theo bức thư của Bác Hồ gửi ngành y tế. Đó là phải thật thà, đoàn kết; phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt trong nhà; phải xây dựng một nền y tế khoa học-dân tộc.
Về công tác y tế dự phòng, Bí thư Thành ủy cho biết, luật quy định 30% tổng chi phí cho ngành y tế là để tập trung chăm lo cho công tác y tế dự phòng. Do đó, Sở Y tế cần bám sát để đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao y đức cho đội ngũ y, bác sĩ. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống y tế xứng tầm vị thế Thủ đô và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân TP.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bi-thu-thanh-uy-vuong-dinh-hue-chuan-bi-san-sang-co-so-vat-chat-de-phong-chong-dich-covid-19-376194.html